Hơn 400 doanh nghiệp dệt may của 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham dự Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và Công nghệ dệt Việt Nam - VIATT 2024.
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may tìm kiếm khách hàng, thị trường trong năm 2024, Bộ Công Thương chủ trì giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức triển lãm lần này.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Detlef Braun, Ủy viên Ban điều hành, Tập đoàn Messe Frankfurt cho biết, những doanh nghiệp tham gia triển lãm lần này trải rộng trong toàn chuỗi cung ứng giá trị của dệt may, bao gồm doanh nghiệp xơ sợi, công nghệ, dệt nhuộm, vải thành phẩm, thiết kế và may mặc...
|
Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. |
Cũng theo ông Detlef Braun, sở dĩ triển lãm thu hút đông đảo doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các thương hiệu dệt may lớn đến từ Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc… là do tiềm năng phát triển ngành này tại Việt Nam rất lớn.
Triển lãm lần này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Đồng thời khuyến khích các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
|
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam |
Việc là thành viên của các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)… tiếp tục là báo hiệu tích cực hơn nữa cho sự phát triển của ngành dệt may trong tương lai.
Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới. Cùng với sự hiện diện tại triển lãm này, nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế kỳ vọng mở rộng hoạt động sang Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa vốn đã phát triển mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, dệt may có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
|
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc triển lãm |
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, sau hơn 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng lên gần 6 lần. Bên cạnh đó, ngành dệt may hiện sử dụng hơn 2 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỷ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp cả nước. “Như vậy, ngành dệt may đóng một vai trò quan trọng không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thắng, ngành dệt may phấn đấu trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Do vậy, việc tổ chức triển lãm VIATT 2024 là cơ hội để các nhà trưng bày và nhà mua hàng có thể sử dụng dịch vụ kết nối kinh doanh toàn cầu nhằm tiếp cận đơn hàng xuất nhập khẩu.
|
Triển lãm với hơn 500 gian hàng trưng bày chất liệu vải, sợi, máy móc công nghệ ngành dệt may |
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc và khối EU. Ngoài ra, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đáng kể hàng dệt may sang Canada, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong, Ấn Độ…
Tính riêng từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ 2023. Nhìn chung, tín hiệu thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có sự khởi sắc so với năm 2023, đồng loạt các nhà máy đã mở máy với tỷ lệ khá cao người lao động quay trở lại làm việc.
|
Với lợi thế tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, dệt may Việt Nam được hưởng khá nhiều ưu đãi về thuế quan |
Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị và thương mại quốc tế đang có nhiều biến động, mức tồn kho cao, nhu cầu hàng hóa nói chung, sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, chi phí nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Cùng với hoạt động kết nối giao thương, hơn 14 hội thảo chuyên đề cũng sẽ được tổ chức để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may tiếp cận xu hướng, chiến lược tiếp cận thị trường, công nghệ dệt và vải không dệt, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Triển lãm diễn ra từ ngày 28/2 đến 1/3/2024.