2017 là năm chứng kiến nhiều sự kiện quạn trọng với biến động lớn trong quá trình chuyển giao quyền lực, các cuộc khủng hoảng hạt nhân, căng thẳng chính trị.
Dưới đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật xảy ra trong năm 2017 do Phapluatplus.vn bình chọn.
1. Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
|
Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. |
Ngày 20/1, ông Donald Trump chính thức nhậm chức trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, mở ra thời kỳ mới nhiều khác biệt với người tiền nhiệm.
Tổng thống Trump thể hiện sự khác biệt với những người tiền nhiệm khi đưa ra những quyết sách theo tư tưởng "Nước Mỹ trên hết". Ông khiến nhiều đồng minh và đối tác trên thế giới thấp thỏm, thất vọng khi lần lượt rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 3 ngày nhậm chức.
Tiếp theo đó, Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, làm thế giới thất vọng.
Chính sách "xoay trục châu Á" bị Trump bãi bỏ, làm các đồng minh châu Á bối rối. Những lời đe dọa liên tục của Trump với Triều Tiên châm ngòi cuộc ăn miếng trả miếng với Kim Jong-un, gây lo sợ về nguy cơ chiến tranh. Cuối năm, ông Trump thổi bùng mối thù nhiều năm Israel - Palestine khi bất ngờ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô nhà nước Do Thái, gây phẫn nộ cho người Hồi giáo.
Nỗ lực xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm của ông đôi khi bị lu mờ do những bất ổn trong bộ máy Nhà Trắng, với sự ra đi của 12 nhân viên cấp cao trong suốt 6 tháng đầu nhiệm kỳ. Nhiều sự kiện như cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, tình hình Triều Tiên, cũng như một số cam kết tranh cử vẫn chưa được thực hiện.
Dù vậy, khi ông Donald Trump lên nắm quyền, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ còn 4,1%, thấp nhất trong 17 năm qua. Ông cũng thành công trong việc kích thích kinh tế, mở rộng thị trường và giành thắng lợi với Dự luật Cải cách thuế.
2. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Năm 2017 chứng kiến bước tiến nhanh trong chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên. Ngày 3/9, Triều Tiên công khai vũ khí mạnh nhất từ trước đến nay - quả bom nhiệt hạch có sức công phá tương đương 120 kiloton.
|
Căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. |
Kể từ tháng 2, Bình Nhưỡng phóng 23 tên lửa trong suốt 16 vụ phóng và tiếp tục hoàn thiện công nghệ qua mỗi lần phóng. Gần đây nhất, tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 bay cao hơn và xa hơn bất kỳ vụ thử nào trước đó của Triều Tiên và được các chuyên gia thừa nhận có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Khẩu chiến giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị đẩy lên cao với những đe dọa quyết liệt và liên tục. Mức độ căng thẳng gia tăng từng ngày và nghiêm trọng nhất kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất với Triều Tiên, ngày càng mất đi ảnh hưởng với quốc gia láng giềng và thậm chí còn cảnh báo Bình Nhưỡng là "một quả bom nổ chậm". Mỹ và Hàn Quốc liên tục các cuộc tập trận với quân lực và khí tài đông đảo nhất, bất chấp lời kêu gọi của Nga và Trung Quốc yêu cầu các bên xuống thang.
Liên Hợp Quốc đã áp lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất; thậm chí Trung Quốc cũng thực thi các biện pháp siết chặt giao thương, năng lượng, nhưng trong bầu không khí nóng hiện nay, chưa có dấu hiệu khả thi nào cho giải pháp tháo gỡ khủng hoảng.
3. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc
|
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. |
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra vào tháng 10/2017 đã bầu ra ban lãnh đạo mới và vạch ra hướng đi của Trung Quốc trong nhiều năm tới. Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục cương vị, được tôn vinh ngang tầm với các cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Giấc mơ Trung Hoa được ông Tập tái khẳng định, quyết tâm đưa Trung Quốc trở nên giàu có vào năm 2020, công khai tham vọng trở thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, dẫn đầu cả về kinh tế, văn hóa xã hội lẫn quân sự.
4. Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh
|
Khủng hoảng ngoại giao Qatar và đốm lửa âm ỉ ở Trung Đông. |
Ngày 5/6, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bùng phát khi có tới 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Các nước đã triệu hồi các đại sứ, áp đặt lệnh cấm vận đường hàng không, đường biển, đường bộ với Qatar. Các quốc gia này ngoại trừ Ai Cập - quốc gia có hơn 250.000 người lao động đang làm việc ở Qatar - đã yêu cầu công dân mình rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ.
Các nước đồng minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã chỉ trích Qatar vi phạm thỏa thuận Riyadh 2014 khi can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước trong khu vực gây mất ổn định; cáo buộc Qatar hỗ trợ các tổ chức cực đoan bao gồm Anh em Hồi giáo (MB), tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tổ chức khủng bố al-Qaeda, bằng việc kích động qua các kênh phương tiện truyền thông Al Jazera cũng như có chính sách tăng cường quan hệ với Iran và Israel đi ngược lại với chính sách của khối GCC.
Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng đây là những cáo buộc thiếu căn cứ.
Thị trường chứng khoán Qatar mất 15% giá trị, chạm đáy 5 năm, giới đầu tư nước ngoài thoái vốn hàng chục tỷ USD. Người Qatar đối mặt nguy cơ khan hiếm thực phẩm, các gia đình bị ly tán, hàng không bị cấm đoán. Qatar đã phải chi hơn 38 tỷ USD hỗ trợ kinh tế trong hai tháng đầu khủng hoảng. Các nước liên quan ước tính mất hàng tỷ USD vì hoạt động thương mại, đầu tư bị cản trở.
Qatar tuyên bố sẵn sàng đối thoại nếu có diễn biến tích cực và cáo buộc các nước Arab né tránh đàm phán. Cuộc khủng hoảng được dự báo còn tiếp tục, ít nhất là trong ngắn hạn và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, nơi cả Qatar và Arab Saudi là thành viên, có nguy cơ sụp đổ.
5. IS thất bại toàn diện tại Syria và Iraq
|
IS thất bại toàn diện tại Syria và Iraq |
Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, với sự can dự mạnh mẽ của Nga và liên quân quốc tế, đã giành được những thắng lợi quan trọng góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện ở Syria, góp phần chuyển sang tiến trình chính trị ở quốc gia Arab.
Sau hàng loạt chiến dịch trong năm 2017, quân đội Nga tuyên bố đã đẩy lùi hoàn toàn IS khỏi các vùng lãnh thổ của Syria. Tại Iraq, IS đã bị đánh bật ra khỏi mọi cứ địa quan trọng mà tổ chức này chiếm giữ suốt hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, hiểm họa IS chưa kết thúc khi tư tưởng cực đoan bạo lực tiếp tục được truyền bá và IS đang tìm cách đặt các căn cứ mới, sử dụng các biện pháp tấn công khủng bố mới.
6. Tổng thống Mỹ Doanald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel
Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đồng thời yêu cầu chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này.Quyết định này của Mỹ thổi bùng cuộc xung đột lâu năm giữa Israel-Palestine và gây làn sóng phản đối rộng khắp. Các cuộc biểu tình diễn ra trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, giao tranh giữa Israel và dải Gaza liên tục diễn ra.
|
Doanald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel. |
Quyết định về Jerusalem cũng chứng kiến sự cô lập của Mỹ trong cộng đồng quốc tế. Trong vòng hai ngày sau tuyên bố của Mỹ, cộng đồng các quốc gia Hồi giáo, tất cả các quốc gia Châu Âu trừ Séc, Trung Quốc và Nga cũng lên tiếng phản đối. Trong các phiên họp của Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra sau đó đa số các nước đều bỏ phiếu phản đối quyết định này.
7. Bất ổn chính trị tại Châu Âu
|
Ảnh minh họa. |
Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm 2016,Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính thức bắt đầu khởi động quá trình Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu vào cuối tháng 3.2016.
Năm 2017, châu Âu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn cả về chính trị và an ninh. Các vụ khủng bố, với mức độ nguy hiểm và hình thức khó lường, liên tiếp xảy ra tại Anh, Pháp, Bỉ…; xu hướng ly khai bùng lên tại một số quốc gia mà điển hình là cuộc trưng cầu dân ý trái phép của vùng Catalonia, Tây Ban Nha; những trắc trở trong trong đàm phán thành lập chính phủ mới tại Đức hay tiến trình đàm phán Brexit đã bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc tồn tại trong lòng châu Âu.
8. Tổng thống Zimbabwe bị phế truất
|
Tổng thống Robert Mugabe bị phế truất. |
Ngày 15/11, quân đội Zimbabwe bất ngờ chốt giữ các vị trí trọng yếu ở thủ đô và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe, sau khi ông Mugabe sa thải phó tổng thống để dọn đường cho vợ kế nhiệm. Quân đội đàm phán với Tổng thống 93 tuổi nhằm đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực không đổ máu. Sau nhiều áp lực, ông Mugabe ngày 21/11 phải chấp nhận từ chức.
Ngày 24/10, ông Emmerson Mnangagwa lên nắm quyền lãnh đạo Zanu-PF và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe. Ông được kỳ vọng sẽ tiến hành nhiều cải cách vực dậy nền kinh tế kiệt quệ của Zimbabwe nhưng cũng nhiều chuyên gia lo ngại nhà lãnh đạo mới sẽ đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm.
9. Tấn công khủng bố khắp thế giới
Theo Newsweek, trên thế giới đã xảy ra 1.097 cuộc tấn công khủng bố, cướp đi sinh mạng của 7.456 người trong năm 2017. Đầu năm 2017 xảy ra 5 vụ khủng bố, trong đó IS xả súng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) khiến 39 người chết.
Cuộc tấn công đẫm máu nhất năm 2017 xảy ra hồi tháng 10, khi một tay súng Al-Shabaab kích nổ bom xe tải lớn ở Mogadishu (Somalia), giết chết 512 người và làm bị thương nhiều người khác.
Các cuộc tấn công khủng bố cũng xảy ra ở nhiều thành phố khác trên toàn cầu: Manchester (Anh), Manhattan (New York, Mỹ), La Rambla (Barcelona, Tây Ban Nha), nhà thờ Hồi giáo ở Sinai (Ai Cập)…
Ngoài ra, vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại diễn ra ngày 1.10 lại Las Vegas, bang Nevada (Mỹ) cướp đi sinh mạng của 58 người và làm 546 người bị thương.
10. Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ
|
Trí tuệ đặc biệt của Robot Sophia |
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong năm 2017. Hàng loạt dự án được mở rộng với nhiều nguồn lực từ cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp và cả chính phủ các nước, cùng nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải đến các loại máy móc tối ưu hóa trong y học, các ứng dụng AI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tình báo, an ninh, giám sát, nghiên cứu vũ trụ... Robot thế hệ mới có hình dáng, giọng nói, tư duy, biểu cảm như con người. Đặc biệt, Saudi Arabia chính thức cấp quyền công dân cho “cô” người máy Sophia.
Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho nhân loại, đặc biệt là nguy cơ về mất an ninh và ổn định toàn cầu.