Dự án sân bay Long Thành gồm 4 dự án thành phần: dự án thành phần 1 là trụ sở các cơ quan nhà nước; dự án thành phần 2 các công trình phục vụ quản lý bay; dự án thành phần 3 các công trình thiết yếu; dự án thành phần 4 các công trình dịch vụ mặt đất.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1783/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm điểm trách nhiệm chậm thực hiện dự án xây dựng Trạm kiểm dịch thực vật, động vật, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.
 |
Toàn cảnh hướng dự án thành phần 1 sân bay Long Thành. |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Nông nghiệp và môi trường kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chậm thực hiện Dự án xây dựng Trạm kiểm dịch thực vật, động vật Sân bay Long Thành.
Dự án sân bay Long Thành gồm 4 dự án thành phần: dự án thành phần 1 là trụ sở các cơ quan nhà nước, bao gồm: hải quan, công an cửa khẩu, công an địa phương, kiểm dịch y tế (động vật/thực vật), cảng vụ hàng không; dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay); dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu); dự án thành phần 4 (các công trình dịch vụ mặt đất).
Đối với Dự án xây dựng Trạm kiểm dịch thực vật, động vật, đến nay, chủ đầu tư dự án đã phê duyệt dự án đầu tư. Đối với nguồn vốn triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 trong nội bộ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và môi trường). Theo đó, dự án đã được bố trí vốn để triển khai thực hiện.
Hiện nay sân bay Long Thành đang đồng loạt triển khai các hạng mục thuộc dự án thành phần 1 (xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý Nhà nước) dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay), dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không); trong đó, dự án thành phần 3 là dự án thành phần lớn nhất, quan trọng nhất tại sân bay Long Thành với tổng vốn đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng, gồm 16 gói thầu xây lắp và thiết bị. Hiện hạng mục chính tại dự án thành phần 3 là nhà ga hành khách đang được đẩy nhanh thi công. Do nhà ga có nhiều hạng mục phức tạp, tính chất kỹ thuật cao, được thiết kế với công nghệ tiên tiến, hiện đại nên cần thời gian để đặt hàng, vận hành.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng rút kinh nghiệm trong việc chậm tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao về dự án thành phần 4, Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Cũng trong giai đoạn này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc cho Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) thuê đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 1 tại Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành.
UBND tỉnh quyết định cho VAECO thuê hơ 4,5ha đất với mục đích đất công trình giao thông để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 1, Sân bay Long Thành.
Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 31-12-2050. Hình thức thuê đất là nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, giá tính tiền thuê đất phải nộp là 2,3 triệu đồng/m2.
Trước đó, vào cuối năm 2024, VAECO và Cục Hàng không Việt Nam đã ký kết hợp đồng đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 1 Sân bay Long Thành. Đây là công trình thuộc dự án thành phần 4, Dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Công trình được thiết kế với quy mô đảm bảo bảo dưỡng đồng thời 2 tàu bay code E và 2 tàu bay code C cùng các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.
Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là hơn 5,4 tỷ USD.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2026.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất nước ta trong tương lai, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đóng góp vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 khoảng 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm và có ý nghĩa lan tỏa tới tổng thể kinh tế - xã hội nước ta.