Hàng năm cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), người dân trên cả nước lại sắm sửa đồ lễ, mua hoa quả để thắp hương tuy nhiên không phải ai cũng biết ý nghĩa của ngày lễ này.
|
Tết Đoan Ngọ diễn ra vào 5/5 âm lịch. (Ảnh: Tiêu dùng Plus) |
Tại sao lại gọi là Tết Đoan Ngọ/ Tết giết sâu bọ?
Ngày 5/5 gọi là Đoan Ngọ vì chữ “Đoan” có nghĩa là chính, là thẳng, là mở đầu. Có khi gọi là Đoan Ngũ vì có hai số 5. Người ta còn gọi là Đoan Dương hoặc Trùng Ngũ, vì số 5 thuộc dương.
Bên cạnh đó, Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ bởi theo quan niệm xưa, trong người, nhất là trong bộ phận tiêu hóa, thường có sâu bọ. Sâu bọ này nếu không bị trừ đi sẽ sinh sản ngày càng nhiều và gây hại cho con người.
Tuy nhiên trong năm, chúng ẩn sâu trong bụng, duy chỉ có ngày 5/5 là chúng ngoi lên. Vì thế, người dân thường chọn ngày Tết Đoan Ngọ để diệt trừ chúng bằng cách ăn các món ăn như cơm rượu nếp và các loại trái cây với nhiều vị khác nhau như mận, đào, xoài, vải...
Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương như bánh ú tro, thịt vịt…
Một số truyền thuyết khác thì cho rằng, thời tiết vào dịp 5/5 thường rất nóng. Đây là thời điểm khí hậu nóng, côn trùng và sâu bọ sinh nở nhiều, nông dân cần phải tìm cách trừ diệt để bảo vệ cho sự canh tác, trồng trọt.
Do vậy, người ta đã quyết định chọn ngày mùng 5/ 5, đúng thời điểm dương thịnh - để làm lễ diệt trừ các loài sâu bọ này và cầu mong cho con người được hạnh phúc, khỏe mạnh.
Truyền thuyết Tết Đoan ngọ tại Việt Nam
|
Theo quan niệm của người Việt, Tết Đoan Ngọ là tết giữa năm, khi mặt trời gần trái đất nhất, dương khí cực thịnh. (Ảnh: Dân trí) |
Vào một ngày sau mùa vụ, nông dân ăn mừng vì trúng mùa, bội thu. Năm ấy, không biết sâu bọ từ đâu kéo đến dày đặc, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Người nông dân đang đau đầu vì không biết làm cách nào để diệt nạn sâu bọ này thì bỗng có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Đôi Truân chỉ cho dân chúng, mỗi nhà lập một đàn cúng gồm có bánh tro, trái cây… sau đó, ra trước nhà mình vận động thể dục. Người dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ ngã rã rượi.
Ông còn nhắc nhở người dân, hằng năm cứ vào ngày 5/5 Âm lịch là lũ sâu bọ lại rất hung hăng. Vì thế, mỗi năm cứ vào đúng ngày này là theo cách mà ông đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng định cảm tạ thì Đôi Truân đã đi từ lúc nào không hay. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.