Xuất khẩu thuỷ sản năm 2024 đạt trên 10 tỷ USD và năm 2025, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể vượt mốc 10 tỷ USD.
Năm 2025, kỳ vọng ngành thuỷ sản xuất khẩu vượt mốc 10 tỷ USD
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, năm 2024, xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thách thức về nguồn nguyên liệu, nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng, rào cản thị trường tăng.
Kết quả XK trên 10 tỷ USD đã thể hiện sự nỗ lực và chung tay của toàn ngành thủy sản để đạt được thành quả trên.
Số liệu này chưa bao gồm hơn 250 triệu USD từ XK bột cá, nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành thức ăn chăn nuôi.
Ngành tôm đã đạt được mức XK gần 3,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023, mặc dù thị trường tiêu thụ tôm trên thế giới đang chịu ảnh hưởng từ lạm phát và cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.
Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược tập trung thế mạnh hàng giá trị gia tăng và đa dạng hóa các phân khúc sản phẩm (tôm thẻ, tôm sú, tôm hùm, tôm biển...), ngành tôm Việt Nam vẫn duy trì được sự cạnh tranh và phát triển ổn định.
|
Xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 10 tỷ USD đã thể hiện sự nỗ lực và chung tay của toàn ngành thuỷ sản. (Ảnh minh hoạ cho bài viết). |
Ngành cá tra, mặc dù đối mặt với các khó khăn như chi phí vận tải biển gia tăng và giá nhập khẩu (NK) phục hồi chậm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng quay lại mốc 2 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9% so với năm trước.
Những thị trường truyền thống như Mỹ, Brazil, Colombia và các quốc gia thuộc Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã trở thành động lực quan trọng giúp ngành cá tra phục hồi.
Trong khi đó, xuất khẩu hải sản khai thác (cá ngừ, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ và các loài cá biển khác) cũng ghi nhận thành công với kim ngạch hơn 4 tỷ USD, mặc dù rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và các quy định IUU phải tuân thủ.
Năm 2025, XK thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể vượt mốc 10 tỷ USD trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022.
Nhiều cơ hội và thách thức
Tuy nhiên, năm 2025 cũng là năm ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với không ít cơ hội và thách thức, trong đó có một số cơ hội như: Một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận sự phục hồi trong năm 2024, dù mức độ tăng trưởng có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia.
Thị trường thủy sản toàn cầu, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu cao.
Các thị trường như châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông cũng có thể mở rộng, tạo cơ hội cho các sản phẩm thủy sản chất lượng cao từ Việt Nam.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, đặc biệt là Hiệp định EVFTA (với EU) và CPTPP, giúp giảm thuế xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.
Chính sách thuế mới của Mỹ, nếu Mỹ tăng thuế đối với các sản phẩm thủy sản từ các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, điều này có thể tạo cơ hội cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam để thay thế, nhất là khi chất lượng thủy sản Việt Nam được đánh giá cao và giá cả cạnh tranh hơn.
Bên cạnh những cơ hội trên, ngành thuỷ sản Việt Nam còn đối mặt với những thách thức như: Biến đổi khí hậu; Cạnh tranh với các quốc gia khác; Chiến tranh thương mại và các rào cản thị trường: Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này có thể dẫn đến thay đổi trong giá cả nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển, từ đó tác động đến giá xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thẻ vàng IUU, các biện pháp bảo vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc các quy định khắt khe về chất lượng và môi trường có thể làm tăng chi phí, giảm nguồn cung, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam...