Trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất.
Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam ghi nhận những dấu hiệu tích cực với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở một số thị trường quan trọng.
Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường nhập khẩu lớn nhất, trong khi Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc cũng duy trì sức mua ổn định. Trong 2 tháng đầu năm nay, XK tôm của Việt Nam đạt 605 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2024.
Về cơ cấu sản phẩm, tôm chân trắng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị xuất khẩu 344 triệu USD, tăng 15% trong khi tôm sú đạt 45 triệu USD, giảm 5%. Nhóm "tôm loại khác" đạt mức xuất khẩu 216 triệu USD, tăng 222%. Trong nhóm tôm loại khác, XK tôm hùm vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Về thị trường nhập khẩu (NK) tôm, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam với giá trị đạt 204 triệu USD, chiếm 34% tổng xuất khẩu tôm đi các thị trường và tăng mạnh 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu là nhờ doanh số XK tôm hùm sang thị trường này vẫn tiếp tục tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm.
 |
Xuất khẩu tôm của Việt Nam ghi nhận những dấu hiệu tích cực. (Ảnh minh hoạ). |
Về thị trường tiêu thụ tôm tại Mỹ, trong 2 tháng đầu năm nay, XK tôm sang Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 7%. XK tôm sang Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn nhất trong số các thị trường NK tôm chính của Việt Nam.
Trong khi XK tôm sang thị trường EU đạt 64 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, tăng 31% so với cùng kỳ. Trong tháng 2/2025, thị trường tôm châu Âu diễn biến chậm với mức giá ổn định. Do mùa đông không phải là thời điểm tiêu thụ cao điểm, nhu cầu không có sự gia tăng đáng kể.
Theo VASEP, XK tôm Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2025 có dấu hiệu phục hồi tốt, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) . Xu hướng tiêu dùng tôm tại Mỹ vẫn duy trì ổn định, trong khi thị trường EU có sự khác biệt theo khu vực.
Tuy nhiên, ngành tôm vẫn đối mặt với những thách thức về nguồn cung nguyên liệu do đầu năm nay, thời tiết bất lợi, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm và tăng chi phí đầu vào cho nuôi tôm. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh các sản phẩm chế biến sẵn, tối ưu chi phí sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường nhập khẩu