![]() |
Người tiêu dùng cần có nhận thức rõ ràng về rủi ro khi mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội. (Ảnh minh họa: Quang Định) |
Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, việc trở thành một người có sức ảnh hưởng chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Chỉ cần một vài video viral, một cái tên nào đó cũng có thể vụt sáng thành KOL, KOC, thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người theo dõi.
Sự nổi tiếng của các KOL, KOC phần lớn được ‘mua’ bằng những video lan truyền mạnh mẽ, những câu chuyện cá nhân khơi gợi sự đồng cảm, hay thậm chí là những chiêu trò truyền thông táo bạo, bất chấp hình tượng. Họ có thể đạt được danh tiếng khi đã sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ cùng sự tin tưởng của công chúng.
Từ việc quảng cáo sản phẩm, đại diện thương hiệu đến những phiên livestream doanh thu hàng trăm tỷ đồng, các KOL, KOC không chỉ kiếm tiền từ danh tiếng mà còn xây dựng uy tín, tạo dựng sức ảnh hưởng sâu rộng.
Tuy nhiên, những quảng cáo thổi phồng sự thật đến chiêu trò kêu gọi từ thiện mập mờ, làn sóng thương mại hóa thiếu minh bạch của một số người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL, KOC) đang dần bào mòn niềm tin của công chúng.
Nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng, mới đây Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã có Công văn số 23/CV-VICOPRO đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí xem xét hoạt động bán hàng của các KOL, KOC.
Theo văn bản, hai trường hợp đáng chú ý là: (i) Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục) quảng cáo lố, sai sự thật; (ii) Võ Thị Hà Linh (tức Võ Hà Linh hay Hà Linh Official).
Trong đó, Võ Thị Hà Linh được biết đến là 'chiến thần review'. Nhờ vào niềm tin từ người xem, Võ Thị Hà Linh đã có những phiên livestream bán hàng với lượng người xem kỷ lục trên các sàn thương mại điện tử như Shopee và TikTok. Tuy nhiên, sau những lần livestream chấn động, người tiêu dùng liên tục phản ánh về hành vi kêu gọi trữ hàng hóa với lý do là các sàn thương mại điện tử sẽ tăng phí vào đầu tháng 4/2025.
Võ Thị Hà Linh cũng đã liên tục bị phản ánh là bán hàng với mức giá thấp không tưởng, thấp hơn rất nhiều lần so với mức giá thị trường, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa tại các cửa hàng. Mặt khác, việc KOL này liên tục bán hàng với giá cả mang tính chất “triệt hạ” nhà bán lẻ truyền thống như vậy cũng sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với xã hội khi người dân không còn mặn mà với hình thức mua hàng trực tiếp mà chỉ tập trung vào mua sắm tại các phiên livestream.
Theo ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, việc mua sắm thông qua quảng cáo hay livestream của người nổi tiếng với tốc độ nhanh và áp lực chốt đơn ngay lập tức dễ khiến người tiêu dùng ra quyết định vội vàng, không có thời gian tìm hiểu kỹ về sản phẩm. Điều này dẫn đến nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng hoặc không phù hợp với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, các cửa hàng bán lẻ truyền thống có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi người tiêu dùng dần mất thói quen mua sắm trực tiếp.
Trước tình trạng một số KOC 'lộng hành' trên các sàn thương mại điện tử, ông Vũ Văn Trung nhấn mạnh mặc dù thương mại điện tử mang lại nhiều tiện ích, nhưng người tiêu dùng cần có nhận thức rõ ràng về rủi ro khi mua sắm qua các nền tảng này, đặc biệt là khi những người nổi tiếng trên mạng xã hội tham gia vào quá trình bán hàng. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những gì người review, livestream nói, mà cần kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt quản lý để tránh tình trạng quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách tốt nhất. Chỉ khi có những biện pháp mạnh tay, tình trạng 'lộng hành' mới có thể được kiểm soát, giúp khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường mua sắm trực tuyến.