Rất kỳ vọng vào tình hình XK nông sản trong năm 2018 nhưng các chuyên gia vẫn khẳng định chưa thể hoàn thành mục tiêu số lượng lẫn chất lượng.
Xuất khẩu tăng nhưng...không vững
Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT cuối năm 2017, tình hình xuất khẩu nông sản trong cả năm có chiều tăng mạnh so với năm 2016.
Cụ thể, tình hình xuất khẩu nông nghiệp trong năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với 2016 với sự hiện diện đầy đủ các mặt hàng chủ lực vốn có trong nhiều năm nay như: Gạo, cà phê, thủy sản, cá tra, rau quả, cao su, chè, điều…
|
Nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng lại phải "hụp lặn" tìm thị trường tiêu thụ trong nước. |
Tuy nhiên, một điều ngược là việc nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng lại phải "hụp lặn" tìm thị trường tiêu thụ trong nước.
Hay gọi cách khác, nông sản Việt đang thua ngay trên sân nhà bởi các sản phẩm nông sản ngoại nhập, thông qua các hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Ở thị trường thế giới, nông sản Việt như rơi vào "bẫy" thị trường quốc tế khi các lệnh kiểm tra "gắt gao" đối với các mặt hàng thuỷ sản của Hoa Kỳ (thị trường lớn về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) khiến cho không ít doanh nghệp trong nước chao đảo, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, chi phí hoạt động (do hoạt động kiểm tra của Hoa Kỳ),…
Cùng với đó, lời cảnh báo cấm vận với nội dung "Liên minh châu Âu sẽ chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ đối với Việt Nam nếu Việt Nam không khắc phục những thiếu sót về IUU trong thời gian tới" của Liên minh châu Âu đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được xem là tối hậu thư đến ngành nông nghiệp cũng như ngành thủy sản Việt Nam.
Mặt khác, dù sản lượng xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm nay tăng cao nhưng lại quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vẫn được xem là một trong những rủi ro nan giải về việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp bấy lâu nay.
Chưa thể cải thiện khi gói hỗi trợ 100.000 tỷ đồng còn ùn ứ!
Một thực tế mà bất cứ ai cũng hiểu rằng, nếu muốn nông sản đứng vững trên thị trường, đều cần làm là phải làm sao xây dựng được thương hiệu đi kèm với chất lượng, số lượng.
Tuy nhiên, đều này có vẻ như chưa được đầu tư đúng đắn khi khái niệm công nghệ cao vẫn còn mơ hồ đối với doanh nghiệp, người dân, cũng như gói hỗ trợ tài chính 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn quá xa vời so với những người trong cuộc.
|
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vẫn rời rạc. |
Theo Ths. Nguyễn Thành Hiếu (Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam): "Nông nghiệp Việt Nam đang chịu một thiệt thòi lớn đó là nguồn kinh phí xây dựng hệ thống nông nghiệp có quy mô ổn định. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có điều kiện kinh phí xây dựng hệ thống sản xuất canh tác của mình.
Họ không thể xây dựng được chuỗi liên kết, thương hiệu, thị trường quốc tế vững chắc".
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Lộc (Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam) cho rằng: "Nhu cầu về kinh phí xây dựng hệ thống nông nghiệp có quy mô vẫn đang còn là điều kiện rất cần đối với các doanh nghiệp.
Hiện các gói hỗ trợ phát triển nông nghiệp mà điển hình là gói 100.000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn quá xa lạ đối với người dân, các doanh nghiệp vừa, nhỏ.
Trong khi, chỉ có một số lượng nhỏ là những doanh nghiệp lớn mới có thể tiếp cận những gói giải pháp này".
|
TS. Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam. |
"Một vấn đề khác, để cải thiện đầu ra cho chất lượng nông sản cần có hệ thống quản lý, kiểm tra bước cuối cùng các mô hình nông sản sạch như: VietGap, GlobalGAP,… Bởi, các mô hình vừa nêu chỉ mới dừng lại ở mức phong trào, công tác kiểm soát chỉ mới công đoạn ban đầu nhưng lại "quên" kiểm soát đầu ra.
Và các thương hiệu mang mác VietGAP, GlobalGAP,… ở trên thị trường chỉ do doanh nghiệp "tự phong" chứ chưa được chứng nhận cụ thể.
Vì vậy, khi ra thị trường quốc tế, chúng ta lại bị tắc nghẽn khi mới vừa ra "cổng nhà", Ths. Nguyễn Thành Hiếu nhận định.