Trong Tuần lễ sách Sơn Trà 2017, độc giả có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về xứ Quảng - Đà thời xa xưa qua tác phẩm "Chuyện xưa xứ Quảng".
Từ ngày 6 đến 10/7, Tuần lễ sách Sơn Trà - Đà Nẵng 2017, chủ đề: "Sách - Ngày hội văn hóa Sơn Trà" - sẽ diễn ra tại sân khấu công viên cầu Rồng, đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Đây là hoạt động tôn vinh, khẳng định vị trí vai trò và tầm quan trọng của sách, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân về văn hóa đọc, về ý nghĩa quan trọng của sách đối việc phát triển tri thức, nhân cách người Việt Nam, hướng đến nếp sống văn hóa, con người văn hóa, thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị".
Một trong những hoạt động đáng chú ý của Tuần lễ sách Sơn Trà, chính là độc giả có cơ hội giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tên tuổi nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gắn liền với nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng từ cuối những năm 60 của thế kỷ 20. Ông nổi tiếng được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu mến, thuộc lòng thơ nhiều bài thơ: Hạt gạo làng ta, Mưa, Khi mẹ vắng nhà, Trăng ơi... Từ đâu đến?,...
|
Hai tác phẩm của nhà thơ Trần Đăng Khoa xuất hiện tại Tuần lễ sách Sơn Trà. |
Những bài thơ nổi tiếng có mặt trong tác phẩm “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ được NXB Kim Đồng in lại trong loạt ấn phẩm kỉ niệm 60 năm thành lập. Cũng như hai tái bản tiểu thuyết “Đảo chìm” và ra mắt ấn phẩm “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa” cũng xuất hiện trong tuần lễ sách lần này.
Là đơn vị xuất bản có đối tượng độc giả chủ yếu là thiếu nhi, NXB Kim Đồng trong suốt sáu thập kỉ xây dựng và phát triển của mình đã giới thiệu với bạn đọc nhỏ tuổi cả nước nhiều tác phẩm văn học, thơ ca, phổ biến kiến thức…
Đặc biệt, liên quan sự kiện 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam và 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung Ương, NXB Kim Đồng cũng giới thiệu tác phẩm "Chuyện xưa Xứ Quảng" của nhà văn Phạm Hữu Đăng Đạt, tác phẩm "Chuyện xưa xứ Quảng" được giới thiệu tại Tuần lễ sách Sơn Trà lần 2-2017.
Tuần lễ sách Sơn Trà - Đà Nẵng 2017 diễn ra từ ngày 6 đến 10/7, với hơn 1 triệu bản sách. Các nhà sách giảm giá từ 20-50% với các sản phẩm. Ngoài ra, từ ngày 6 đến 9/7, Ban tổ chức bố trí 1 gian hàng để tiếp nhận sách, văn hóa phẩm... của các cá nhân, tổ chức hiến tặng, ủng hộ cho quận để chuyển giao cho hệ thống thư viện trường học, phòng đọc sách phường, công viên cà phê sách và tủ sách công cộng phụ nữ trên địa bàn quận. |
Với mong muốn giới thiệu những khảo cứu được thể hiện bằng chuyện kể thú vị, giá trị của ông, NXB Kim Đồng đã xin phép gia đình tác giả cho tuyển chọn và biên soạn lại từ những bài viết, bản thảo, chuyên khảo, tác phẩm đã xuất bản của ông, được sự hợp tác nhiệt tình của gia đình.
Tiếc thay, do một căn bệnh hiểm nghèo, nhà văn Phạm Hữu Đăng Đạt đã qua đời trước đó không lâu, sau khi "Chuyện xưa xứ Quảng” đã ra mắt bạn đọc vào tháng 10/2016 và được giới thiệu với bạn đọc nhỏ tuổi Đà Nẵng trong Tuần sách Sơn Trà năm 2017.
Được biết, nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt tên thật là Phạm Hữu Bốn, sinh năm 1957, quê ở thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông tốt nghiệp khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Huế. Ông đã từng là bộ đội, sau khi xuất ngũ, ông về công tác và gắn bó đến cuối đời với Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Đà Nẵng.
|
Những phiên chợ quê xứ Quảng cũng xuất hiện trong các tác phẩm của nhà văn Phạm Hữu Đăng Đạt. |
Ông có nhiều cuốn sách viết về quê hương xứ Quảng được bạn đọc yêu thích, như: Hương vị Quảng Nam, Văn hóa Quảng Nam, Chuyện làng nghề Đất Quảng, Sắc bùa xứ Quảng... Ngoài ra, ông là một trong số rất ít tác giả tại Đà Nẵng chuyên viết về văn hóa dân gian, đã đạt Giải thưởng văn học - nghệ thuật của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua.
“Chuyện xưa xứ Quảng” là tác phẩm biên khảo của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Hữu Đăng Đạt, tuyển chọn những bài viết trong các tập bản thảo, chuyên khảo, tác phẩm đã xuất bản của ông với nhiều tư liệu, hình ảnh quý.
Cuốn sách gồm 58 bài viết, sắp xếp theo 4 đề mục chính: Ẩm thực - Địa danh, Nhân vật - Thú chơi, Phong tục - Làng nghề xứ Quảng. Phần lớn trong cuốn sách là câu chuyện về những làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Quảng với những huyền tích gắn với những thăng trầm qua thời gian.
|
Chuyện xưa xứ Quảng vẽ lên khung cảnh xa xưa của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng thuở xưa. |
Đó là vạn Phường Đông với nghề bủa lưới, giăng câu; làng rau truyền thống Trà Quế, những bí kíp đúc đồng truyền thống thú vị từ làng Phước Kiều bên bờ sông Thu Bồn; làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, làng gốm Thanh Hà...
Tác giả cũng khéo léo dẫn dụ người đọc đến với từng vùng đất xứ Quảng qua những câu ca dao dân ca, những câu chuyện dân gian về nguồn gốc gánh hát bội Cổ Mân, về gánh hát La Bông gắn với các tích tuồng cổ Tam quốc, Ngũ hổ bình Liêu, Đào Phi Phụng, gánh hát Bàu Toa với vở “Nhứt điện, Nhị điện” hay hò chèo ghe - một loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian đặc sắc gắn liền với cuộc sống người dân sông nước...