Xóa bỏ tệ nạn 'chăn dắt' ăn xin. (Ảnh minh họa: Sức khỏe & Đời sống) |
Một số đối tượng có hành vi đối phó với lực lượng chức năng như bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su,... nhưng thực chất là xin ăn. Ngoài ra, đối tượng thường hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn nên các tổ công tác gặp một số khó khăn trong công tác quản lý, tập trung đối tượng.
Công tác tuyên truyền chủ trương không trực tiếp cho tiền người xin ăn mà trợ giúp bằng các phương thức hiệu quả hơn vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Điều này một phần xuất phát từ nhận thức một bộ phận người dân vẫn còn thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn mà không thông qua cơ quan chức năng.
Nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng nêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị người dân khi phát hiện những đối tượng “chăn dắt” người lang thang xin ăn, báo ngay đến Công an địa phương và Tổ công tác để kịp thời xử lý. Đối với trường hợp là trẻ em, lập tức báo ngay về Tổng đài 111.
Theo nhiều ý kiến đánh giá, nội dung báo cáo như trên là khá sát với thực tế. Trên đường phố đô thành, giữa những dòng người, đâu đó vẫn có những hình ảnh hiện hữu mỗi ngày là một số người xin tiền.
Có những người xin tiền vì thực sự họ nghèo khổ; nhưng không ít trong số đó, đứng phía sau là những kẻ “chăn dắt”, kiếm tiền trên lòng trắc ẩn của con người.
Những đối tượng “chăn dắt” ăn xin không chỉ lợi dụng những người nghèo khổ thiếu thốn, vi phạm đạo đức, mà còn vi phạm pháp luật. Những đối tượng “chăn dắt” dùng cả những thủ đoạn tàn nhẫn để khai thác, biến những con người khốn khó thành công cụ kiếm tiền.
Những em nhỏ bị ép buộc rời xa mái ấm gia đình, lang thang trên phố từ sáng sớm đến đêm khuya, đôi khi còn bị hành hạ, đánh đập để thu được nhiều tiền hơn.
Những cụ già, những người tàn tật bị lợi dụng, bị giam cầm, bị ép buộc phải ngồi lê la trên vỉa hè, dưới cái nắng cháy da hay cái lạnh sương đêm len lỏi.
Những đồng tiền mà người qua đường thương cảm bỏ vào chiếc nón, chiếc bát, có khi lại trở thành nguồn thu nhập béo bở cho những kẻ “chăn dắt”, trong khi những người ăn xin thật sự chỉ nhận được chút ít.
Hệ quả mà những đối tượng “chăn dắt” gây ra không chỉ là làm cùng khổ những người khốn khổ, mà còn làm suy giảm lòng tin trong xã hội. Không ít người đã nghi ngờ, dè dặt mỗi khi gặp người xin ăn trên phố, không còn dám mở lòng giúp đỡ vì sợ rằng lòng tốt của mình bị lợi dụng.
Chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để đẩy lùi tệ nạn “chăn dắt” ăn xin. Đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cần điều tra, truy tố những kẻ “chăn dắt”; là có các chính sách hỗ trợ những người nghèo khổ, giúp họ có công việc, có cuộc sống ổn định.
Và mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức, sự cảnh giác và tỉnh táo khi giúp đỡ người khác. Thay vì đưa tiền trực tiếp, chúng ta có thể tìm hiểu các tổ chức từ thiện uy tín, các chương trình hỗ trợ người nghèo để đóng góp.
Đó là cách vừa giúp được người nghèo khổ, vừa không bị những kẻ “chăn dắt” lợi dụng, tiến tới xóa bỏ nạn “chăn dắt” ăn xin.