Được biết, cùng thời điểm đội CSGT đường thủy số 3 kiểm tra, tàu này vẫn hoạt động xả thải.
Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Đào Thanh Hải cho biết, đã tạm đình chỉ công tác của 3 chiến sỹ cảnh sát giao thông đường thủy có liên quan đến vụ "tàu lạ" xả chất thải ra sông Hồng.
|
"Tàu lạ" xả thải xuống lòng sông Hồng bị phát hiện. Ảnh: Vietnamnet. |
"Tàu lạ" mang số hiệu P.T0677 vận chuyển khối lượng lớn chất lạ di chuyển từ khu vực gần cảng Hà Nội ra sát chân cầu Thanh Trì (Q. Hoàng Mai) đổ xuống lòng sông Hồng vào ngày 14/11.
Liên quan đến việc này, bên lề hành lang Quốc hội vào sáng 18/11, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, công an Hà Nội đã họp và kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan.
Theo Đại tá Hải, khi 3 chiến sỹ thuộc Cảnh sát giao thông đường thủy số 3 (PC 68, Công an Hà Nội) đi tuần tra, kiểm soát có phát hiện thấy "tàu lạ" trên đổ bùn thải và có lập biên bản, nhưng việc xử lý chưa được kiên quyết.
"Về việc chưa xử lý kiên quyết đó, công an thành phố đã kiểm điểm rõ ràng trách nhiệm. Hiện chiếc tàu này đã bị tạm giữ và chúng tôi cũng tiến hành lấy bùn để kiểm định xem có chất độc hại hay không", ông Hải nói.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao sau khi 3 chiến sỹ cảnh sát đường thủy lập biên bản xong không đình chỉ việc đổ chất thải này mà lại rời đi, ông Hải trả lời:
"Đó là quy trình thực hiện chưa đúng, anh em lập biên bản xong đáng lẽ phải đình chỉ ngay, nhưng lại quay về gọi thêm lực lượng ra tạm giữ phương tiện, chính vì thế, công an thành phố đã chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc và tạm đình chỉ công tác 3 đồng chí đó".
Ông Hải cũng nhấn mạnh, hành vi vi phạm của tàu đó đã được xử lý rất kiên quyết, có lập biên bản, giám định bùn xem có chất độc hại đổ xuống sông không.
"Tất cả những việc đó anh em làm đúng quy trình", ông khẳng định.
|
Đại tá Đào Thanh Hải. |
Về việc nếu xác định chất thải đó là bùn thải độc hại thì công an Hà Nội có tiến hành khởi tố vụ án hay không, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, tất cả những việc đó phải căn cứ vào mức độ, hậu quả.
"Bởi theo quy định của pháp luật, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường đến mức nhất định có thể khởi tố được thì khởi tố. Còn góc độ xử lý hành chính thì sẽ xử lý hành chính", ông cho hay.
Trước việc thời gian qua, có một số trường hợp các xe đổ bùn thải trộm ở một số địa phương trên địa bàn thành phố được báo chí phản ánh, Đại tá Hải cho biết thêm, về thực tế nay thì công an TP vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý.
Hiện tất cả những việc đó đều xem xét dưới các hành vi có gây hủy hoại tài sản Nhà nước không, bởi khi đổ xuống đó có thể gây ảnh hưởng đến mặt bằng. Nếu thiệt hại đủ số tiền theo quy định của pháp luật thì sẽ khởi tố, còn nếu ở mức hành chính thì xử hành chính.
Ngoài ra, những chất độc hại gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường khu vực đó thì xử lý theo quy định pháp luật về môi trường.
Trước đó, theo thông tin trên báo chí, khu vực mà chiếc tàu này trút bỏ khối lượng chất thải xuống sông Hồng thuộc mé bờ sông giáp với địa giới Quận Hoàng Mai.
Chất thải trên tàu là một loại bùn, đất đặc quánh, đen nhuyễn, khi thả xuống nước xuất hiện nhiều váng dầu dài hàng trăm mét, khiến vùng nước đổi màu nhanh chóng.
Theo tạp chí GTVT, vào khoảng 16h35 chiều 14/11, tổ công tác gồm 3 người, mang sắc phục Cảnh sát đường thủy (thuộc Đội thanh kiểm số 3 - Công an TP Hà Nội) sử dụng ca nô chuyên dụng di chuyển từ phía cầu Vĩnh Tuy lên phía cầu Thanh Trì, nhanh chóng áp sát chiếc tàu đang hoạt động xả thải trái phép.
Tuy nhiên, cùng thời điểm, đội CSGT đường thủy số 3 kiểm tra, tàu này vẫn hoạt động xả thải.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng giao Giám đốc Công an TP kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu. Điều tra, xử lý chủ tàu mang số hiệu P.T0677 theo quy định của pháp luật (nếu có sai phạm). Đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan. Báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 5/12.