Tiến sĩ Tâm lý Vũ Thu Hương( Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, tuổi phạm tội ngày càng nhỏ dần, mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm,…đó chính là do sự thờ ơ trong việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật ở các gia đình.
Phapluatplus đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tâm lý Vũ Thu Hương, xoay quanh việc liên quan đến vụ hơn 2.000 học sinh trường Tiểu học Ninh Hiệp và trường THCS Ninh Hiệp (Gia Lâm) tham gia cuộc phản đối xây dựng dự án Trung tâm thương mại trên địa bàn.
Thưa tiến sĩ, dưới góc độ là một nhà tâm lý giáo dục tiểu học, bà đánh giá như thế nào về sự việc của những học sinh trường Tiểu học và THCS Ninh Hiệp (Gia Lâm), sự việc được cho là HS bị xúi giục nghỉ học đi biểu tình thời gian vừa qua?
Tôi nghĩ, đây là vụ việc vô cùng nghiêm trọng. Những hành vi của cha mẹ có thể nói là vô cùng phản giáo dục. Với trẻ em, hành động của cha mẹ như kim chỉ nam hành động. Nếu cha mẹ các em làm việc gì thì bọn trẻ cũng rất dễ theo đó mà học tập. Chưa kể, ngăn cản con đến trường là hành vi vi phạm pháp luật vì theo luật pháp, trẻ nhỏ có quyền đi học, quyền được đến trường.
|
Tiến sĩ Tâm lý Vũ Thu Hương cho rằng vụ trường Tiểu Học Ninh Hiệp " Là một tác nhân vô cùng xấu đến nhân cách trẻ". Ảnh: Internet. |
Cha mẹ không những vi phạm pháp luật, sử dụng trẻ nhỏ như một công cụ để phản đối chính quyền, ngăn cản quyền đến trường của trẻ mà còn xúi giục trẻ phạm tội. Có thể nói, trong trường hợp này, cha mẹ đã vi phạm quá nhiều điều quy định trong pháp luật. Đây có thể nói là tấm gương vô cùng xấu cho trẻ nhỏ.
Sau vụ biểu tình “ghê gớm” đó, những người ngoài cuộc (đặc biệt là học sinh khác) sẽ nhìn nhận sự việc của các em như thế nào, nhất là khi các em còn đang ở độ tuổi chưa nhận thức đầy đủ các hành vi lại nghĩ đó như một chiến tích ghê gớm, thành công,…?Thưa bà?
Sau vụ biểu tình này, việc giáo dục đạo đức, nhân cách, phẩm chất cho trẻ sẽ gặp vô vàn khó khăn. Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy hành vi phá hoại xã hội vừa rồi của cha mẹ là rất thú vị và chính nghĩa. Từ đó, trẻ sẽ manh nha xuất hiện tâm lý thích nổi loạn, thích phá phách theo kiểu anh hùng rơm. Tâm lý này sẽ dẫn dắt trẻ đến các hành vi phạm tội khá nhanh.
Chúng ta hãy nhìn lại xem bức tranh phạm tội của giới trẻ hiện nay. Tuổi phạm tội ngày càng nhỏ dần, mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm. Thậm chí đã có những vụ án khủng khiếp, ghê rợn, như vụ án giết 3 người trong 1 gia đình tại Bắc Giang của sát thủ Lê Văn Luyện khi hắn chưa tròn 18 tuổi. Nguyên nhân gì đã dẫn đến tình trạng này?
|
"Vụ việc nghiêm trọng tại trường Tiểu học, THCS Ninh Hiệp (Gia Lâm) sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến những gia đình tham gia". Ảnh: Internet. |
Đó chính là do sự thờ ơ trong việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật ở các gia đình. Đồng thời, những tấm gương vi phạm pháp luật (đơn giản nhất là vi phạm luật giao thông) xuất hiện trong gia đình và nhiều khi những hành vi như vượt đèn đỏ, trốn chạy cảnh sát,… còn được kể lại với thái độ tự hào. Như vậy, vụ việc này sẽ là một tác nhân vô cùng xấu đến nhân cách trẻ.
Thưa bà! Sau sự việc này, giờ giáo dục lại trẻ còn kịp và có tác dụng nữa không? Nhà trường và phụ huynh,… cần có giải pháp ra sao khi “sự đã rồi”? Nhất là những bậc cha mẹ có con em cùng độ tuổi trên?
Theo tôi, vụ việc nghiêm trọng này sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến những gia đình tham gia. Còn những gia đình khác, các cha mẹ có thể lấy đó làm ví dụ để giáo dục con trẻ. Với các cháu tham gia trong vụ việc khủng khiếp trên, chắc chắn nhà trường sẽ phải vất vả vô cùng khi giáo dục đạo đức cho các cháu. Nhưng mọi chuyện sẽ vẫn còn kịp thời nếu cha mẹ nhận ra là mình đã sai và hết sức sửa sai. Thái độ tích cực của cha mẹ sẽ giúp con trẻ trở về đúng hướng phát triển bình thường. Như vậy, điểm mấu chốt trong vụ việc này chính là nhận thức của các phụ huynh tham gia.
Xin trân trọng cảm ơn cô!