Thực hiện Quyết định 76 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030; Quyết định 389 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 2773 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu, thả tôm giống ra cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu). |
Theo Kế hoạch, triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên; duy trì, phát triển đa dạng sinh học, khai thác nguồn lợi bền vững và nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ các loài thủy sản quý hiếm, những loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại; đồng thời, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân và người dân về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với điều kiện của địa phương; tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các quy định của pháp luật về các hành vi bị cấm trong khai thác thủy sản, các hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản và các quy định có liên quan.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch; khuyến khích xã hội hóa các chương trình bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản,…
Bên cạnh đó, bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh. Đồng thời, gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Đến năm 2025, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên; thực hiện xã hội hóa công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản,… phục hồi nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, phấn đấu thành lập và tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Toàn tỉnh có ít nhất 2 - 3 tổ chức cộng đồng trên các địa phương huyện, thành phố ven biển. Hàng năm các địa phương tiếp tục thả bổ sung thực hiện từ 2 - 5 đợt thả con giống thủy sản có giá trị kinh tế, các loài thủy sản bản địa vào vùng nước tự nhiên” - Kế hoạch nêu rõ.
Theo nội dung Kế hoạch, cơ chế chính sách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực: điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Thanh tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan hướng dẫn Nhân dân thả cá, phóng sinh các đối tượng thuỷ sản đúng quy định không để phát tán các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên.
Tuyên truyền, vận động người dân không khai thác thuỷ sản vào mùa sinh sản; sử dụng dụng cụ, ngư cụ có kích thước mắt lưới theo quy định, khai thác các loài đủ kích cỡ cho phép. Kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp cho công tác phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan, các địa phương tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, nội địa về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, các loài thủy sản quý, hiếm và hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp.