Ông Lê Văn Chừng - vị lão thành Cách mạng 70 năm tuổi Đảng, cùng vợ là bà Phạm Thị Minh Thông tại nhà riêng. |
Ngày 13/3/1954, quân ta tấn công vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điên Biên Phủ rồi tiếp đến là trận đánh tại đồi Độc Lập, bắt sống nhiều tên địch… Sau trận đánh mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sĩ Lê Văn Chừng (khi đó tròn 20 tuổi) vinh dự được kết nạp Đảng ngay trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Dưới đây là những ký ức nguyên vẹn về một thời đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng tự hào của quân và dân Việt Nam qua lời kể của nhân chứng, ông Lê Văn Chừng- người chiến sĩ tham gia trận đánh mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chúng tôi tìm về Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn Hà Nội, nơi ông Lê Văn Chừng và vợ là bà Phạm Thị Minh Thông đang sinh sống. Rót nước mời chúng tôi, ông Chừng thổ lộ: “Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc chiến giữa một dân tộc lạc hậu, quần nâu áo vải, vũ khí và phương tiện rất thô sơ với một bên là nước Pháp có nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, quân đội được trang bị từ chân răng kẽ tóc, vũ khí và phương tiện hiện đại, được đào tạo bài bản. Nhưng với lòng yêu nước, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng lao động Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta đập tan âm mưu của kẻ địch, mở ra một trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.
Cứ điểm Điện Biên Phủ được người Pháp trang bị tỉ mỉ và hiện đại, từ đôi giày của người lính Pháp cũng rất cẩn thận để thích ứng với địa hình núi non hiểm trở, chống trơn trượt, gọi là giày Săng Đá. Cho đến việc chi viện thực phẩm, thuốc men...di chuyển, đổ bộ của lính Pháp đều được vận chuyển bằng đường hàng không. Trong khi đó phía ta vận tải chủ yếu bằng sức người, phương tiện thô sơ, xe thồ là xe đạp, chân đi dép cao su. Vận chuyển lương thực chủ yếu bằng xe thồ, thế nhưng những sáng kiến cũng như lòng dũng cảm thì hiếm ai có thể sánh được với ý chí và nghị lực của quân và dân ta.
Từ việc ngụy trang cho đến đào hào công sự, quân và dân ta đều phát huy sáng kiến độc đáo rất giản đơn, ít tốn kém nhưng vô cùng hữu ích. Đầu tiên bộ đội ta nằm để đào hào rồi đến ngồi đào, rồi đứng đào, đào từ trong núi trở ra. Khi đào thì lấy những Con cúi được bện chặt bằng rơm, dài 2m, đường kính hơn mét để tránh đạn bắn thẳng của quân địch. Cứ tối quân ta tiến hành đào hào, sáng ra quân địch lại lấp nhưng chúng không thể ngăn chặn được ý chí sắt đá, kiên cường của quân và dân ta. Cứ như vậy, đêm đêm quân ta đào hào công sự tiến sát gần tới cứ điểm...
Ngày 13/3/1954, quân ta tấn công vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điên Biên Phủ, tiếp đến là trận đánh đồi Độc Lập. Trong đó có tôi và nhiều chiến sĩ xung phong đánh bộc phá, phá hàng rào kẽm gai, mở đường cho quân ta vào đồn tiêu diệt địch…Cứ người này ngã xuống người khác lại xông lên, với tinh thần quyết tử để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân”.
Nghe ông kể tình tiết đánh bộc phá nên tôi rất tò mò hỏi ông về cấu tạo, sức công phá cũng như sự nguy hiểm của thứ vũ khí này, ông đáp: “Những quả bộc phá này đều do chiến sĩ của ta tự chế để phục vụ chiến đấu. Vỏ ngoài là những ống tre hoặc nứa già, dài hơn 1 mét sau đó được nhồi đầy thuốc nổ, khi xuất phát mới gắn kíp nổ.
Sau khi chạy lên đánh bộc phá, các chiến sĩ phải nhanh chóng chạy xuống phía dưới khoảng 4-5m để khi bộ phá nổ chỉ phải chịu sức ép của bộc phá nhưng không mất mạng. Vì theo nguyên lý, bộc phá nổ sẽ văng lên cao, sang ngang nên phải chạy xuống phía dưới hoặc nằm xuống để tránh thương vong. Sau trận đánh này bộ đội ta bắt sống nhiều tên địch, trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số của ta bị Pháp bắt đi lính cho Pháp.
Cũng sau trận đánh mở màn Him Lam và đồi Độc Lập, ngày 01/4/1954, đồng chí Trung đội trưởng cùng đồng Chí chính trị viên Đại đội, Bí thư Chi bộ dẫn tôi ra rừng, treo lá cờ tổ quốc lên và tuyên bố lễ kết nạp Đảng viên cho chiến sĩ Lê Văn Chừng. Lễ kết nạp chỉ vỏn vẹn 3 người nhưng khiến tôi vô cùng bất ngờ và xúc động xen lẫn tự hào. Trước sự ngỡ ngàng và xúc động của tôi, đồng chí Trung đội trưởng nói: “Do đồng chí có công chiến đấu dũng cảm nên được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng”. Tôi lấy làm tự hào và sung sướng vô bờ. Sau lễ kết nạp, tôi lại trở lại vị trí chiến đấu cho tới khi kết thúc 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn thắng về ta, khi quân và dân tiến về thủ đô Hà Nội, khoảng vài tháng sau tôi mới gặp lại cha tôi là ông Lê Văn Lãng- giảng viên Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, nay là trường sĩ quan Lục quân và được một nhiếp ảnh chụp cho 2 cha con tôi một bức ảnh, bức ảnh này đến nay tôi vẫn lưu giữ được, đó là kỷ niệm đẹp đẽ của cuộc đời tôi’’- ông Chừng nhớ lại.
Bức ảnh lưu niệm chụp hai cha con ông Chừng gặp nhau sau chiến dịch Điện Biên Phủ |
Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của cả dân tộc, lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu. Rất vui mừng không tả hết nhưng còn biết bao đồng đội, biết bao con người đã ngã xuống, nằm lại chiến trường để đất nước có được hòa bình và tự do như hôm nay. Vì vậy chúng ta phải quý trọng và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, khắc ghi lời dạy của Lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh về giữ nước và đại đoàn kết dân tộc”- ông Chừng căn dặn.
Được biết, ông Chừng là người trải qua 3 cuộc chiến tranh, chống Pháp, Mỹ và biên giới Tây Nam nhưng ông thật may mắn, vì là người vào sinh ra tử vẫn lành lặn tuyệt đối. Ở độ tuổi 90 nhưng ông Chừng rất minh mẫn, ông cùng vợ luôn tham gia đóng góp cho những hoạt động cộng đồng khu dân cư, ủng hộ và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông là một tấm gương dũng cảm trong chiến đấu, mẫu mực trong lối sống để con cháu và người dân học tập.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Chừng cho biết, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và ông cũng là người đầu tiên tham gia trận đánh giữa Hải quân của ta đối đầu với không quân của Mỹ tại biển Quảng Ninh, ông là Thuyền trưởng- chỉ huy tàu đã bắn rơi máy bay AD-6 của không lực Hoa Kỳ, bắt sống 01 giặc lái. Sau giải phóng miền Nam, ông Chừng về phụ trách phòng quân chủng cùng tác chiến của Bộ tổng tham mưu. Năm 1998, ông tham gia xây dựng Nhà giàn DK1... |