Pháp luật Việt Nam cho phép sau khi kết hôn, người vợ hoặc người chồng có quyền được tạo lập tài sản và một mình đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với khối tài sản đó.
Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng
Nếu quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì người còn lại không có quyền gì đối với thửa đất, tài sản gắn liền với đất đó.
Trường hợp này, sổ đỏ sẽ do người đứng tên toàn quyền quyết định, tuy nhiên không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Khi này, người vợ hoặc chồng không đứng tên trên sổ đỏ sẽ không có quyền lợi gì.
Do đó, trường hợp sổ đỏ chỉ đứng tên của một người và quyền sử dụng đất tương ứng được xác định là tài sản riêng của người đó thì người này có toàn quyền bán, cho, cầm cố,... đối với quyền sử dụng đất này và không cần có có chữ ký đồng ý của người còn lại.
Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng
Mặc dù người vợ hoặc chồng là người đứng tên một mình trên sổ đỏ nhưng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung thì người không đứng tên cũng sẽ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt như người đứng tên trên sổ đỏ.
Hay nói cách khác, dù người vợ là người đứng tên sổ đỏ nhưng nếu là tài sản chung thì chồng có quyền thỏa thuận với vợ trong việc cho thuê, chuyển nhượng, hưởng lợi ích vật chất từ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Do đó, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, bắt buộc phải có chữ ký của cả hai vợ chồng thì hợp đồng mua bán nhà đất mới có hiệu lực pháp lý, trừ trường hợp có văn bản ủy quyền của người vợ cho người chồng được thực hiện thay quyền chuyển nhượng. Nếu là tài sản chung, chồng tự ý chuyển nhượng cho người khác mà không có sự đồng ý của người vợ dù sổ đỏ đứng tên chồng thì người vợ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu, khi bị tuyên bố bị vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Sổ đỏ chỉ đứng tên vợ hoặc chồng, khi ly hôn phân chia ra sao?
Sau khi kết hôn, người vợ hoặc người chồng có quyền được thiết lập tài sản và một mình đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với khối tài sản đó.
Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, sổ đỏ đứng tên một người vợ hoặc chồng thì chưa thể khẳng định 100% đó là tài sản riêng. Do đó, khi ly hôn, người không đứng tên trên sổ đỏ có thể yêu cầu tòa án phân chia tài sản đó nếu có chứng cứ chứng minh đó là tài sản chung được tạo lập trong quá trình hôn nhân.
Khi vợ hoặc chồng đang có tranh chấp nhà đất được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, và nếu cho rằng đó là tài sản riêng của mình thì phải đưa ra căn cứ chứng minh về việc này. Nếu không có căn cứ chứng minh thì tài sản đó được xem là tài sản chung của vợ chồng và sẽ được chia theo thỏa thuận hoặc phán quyết của Tòa án.
Nếu một bên chứng minh được nhà đất là tài sản riêng như các trường hợp đã nêu, thì người không đứng tên không có quyền đối với tài sản đó.
Trường hợp sổ đỏ đứng tên một người nhưng là tài sản chung
Trường hợp sổ đỏ tuy chỉ đứng tên vợ hoặc chồng nhưng vẫn là tài sản chung, nếu thuộc một trong các trường hợp được coi là tài sản chung, thì vẫn sẽ áp dụng các nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Luật hôn nhân Gia đình 2014.
Theo đó, mặc dù người vợ hoặc chồng là người đứng tên một mình trên sổ đỏ nhưng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung thì người không đứng tên cũng sẽ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt như người đứng tên trên sổ đỏ.
Do vậy, khi cuộc sống hôn nhân của 2 người không hạnh phúc dẫn đến quyết định ly hôn thì việc chia tài sản sau hôn nhân được thực hiện chia như là tài sản chung. Khi này, hai người có thể tự thỏa thuận chia tài sản hoặc nhờ Tòa án giải quyết theo trình tự và quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp đứng tên một người và là tài sản riêng
Đối với trường hợp sổ đỏ đứng tên vợ hoặc chồng và có những căn cứ cho thấy nó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì đây sẽ được coi là tài sản riêng chỉ của vợ hoặc chồng, khi ly hôn vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó mà không bị phân chia cho người còn lại.
Đây được xem là tài sản riêng nên sổ đỏ sẽ do người đứng tên toàn quyền quyết định, tuy nhiên không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng lợi ích của người còn lại. Khi này, người vợ hoặc chồng không đứng tên trên sổ đỏ sẽ không có quyền lợi gì.
Trường hợp này, người đứng tên tài sản có toàn quyền bán, cho, cầm cố,... đối với quyền sử dụng đất này dù ở trong thời kì hôn nhân hay khi hai người đã ly hôn mà không cần có có chữ ký đồng ý của người còn lại.