Liệu sau cuộc họp với BCĐ cổ phần hóa Vinafood 2, Bộ NN&PTNT có đưa ra được phương án để thu hồi gần 1.000 tỷ đồng nợ xấu?
Thua lỗ, nợ xấu gần 1.000 tỷ đồng
Theo nguồn tin của Phapluatplus.vn, cuối tuần này lãnh đạo Bộ NN&PTNT sẽ làm việc chính thức với Vinafood 2 để triển khai việc giám sát tài chính năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, tiến độ thực hiện phương án cổ phần hóa đối với doanh nghiệp này.
|
lHiện cả Vinafood 1 và Vinafood 2 chủ yếu hoạt động như những nhà buôn thuần túy mà chưa thực hiện được vai trò hỗ trợ nông dân. |
Trước đó, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với Vinafood 2. Các cơ quan quản lý sẽ phải giám sát về tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, thu hồi công nợ phải thu khó đòi, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh (đặc biệt là ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản); công tác thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác theo tiến độ, đề án đã được duyệt, tăng cường quản lý vốn, tài sản và bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tìm hiểu của Phapluatplus.vn được biết, trước khi bị đưa vào diện giám sát tài chính, Vinafood 2 đã có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính trong thời gian dài.
Kết quả thanh tra cho thấy đến hết năm 2013, Vinafood 2 có 7 đơn vị trực thuộc lỗ lũy kế, nợ khó đòi với tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thất thoát có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số 44 Cty thành viên (14 đơn vị trực thuộc và 30 đơn vị liên kết, Cty TNHH) thì có tới 19 đơn vị kinh doanh thua lỗ.
Danh sách đơn vị thua lỗ được liệt vào diện đứng đầu gồm: Cty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ 164,66 tỷ đồng; Cty Lương thực Trà Vinh lỗ 134,52 tỷ đồng; Cty Lương thực, Thực phẩm An Giang lỗ 83,19 tỷ đồng; Cty Lương thực Bạc Liêu lỗ 42,34 tỷ đồng; Cty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang lỗ 25,13 tỷ đồng; Cty Lương thực Bến Tre lỗ 1,35 tỷ đồng; Cty Lương thực Sóc Trăng lỗ 2,7 tỷ đồng.
Trong số đó, Cty Lương thực Trà Vinh, An Giang và Bạc Liêu thậm chí còn rơi vào nhóm đối tượng mất khả năng thanh toán bằng nguồn vốn chủ sở hữu, mất khả năng tự chủ về tài chính, khả năng không trả được nợ rất cao.
Vinafood 2 là một trong hai “ông lớn” của ngành lương thực, thực phẩm của cả nước. Hiện thị trường lúa gạo được cho là đang ở thế độc quyền bởi riêng Vinafood 1 và Vinafood 2 đã chiếm tới phân nửa thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Dù được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi song hai tổng công ty nhà nước này luôn bị phàn nàn là hoạt động như những nhà buôn thuần túy mà chưa thực hiện được vai trò hỗ trợ nông dân.
Nguy cơ mất vốn nhà nước?
Trao đổi với Phapluatplus.vn, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia lúa gạo, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng một trong những lý do dẫn đến việc kinh doanh sa sút của Vinafood 2 trong thời gian qua là do mảng kinh doanh xuất khẩu gạo của doanh nghiệp bị sụt giảm, nhất là tại thị trường Philippines, Malaysia, Indonesia.
Thống kê cho thấy, năm 2011 Vinafood 2 xuất khẩu sang 3 thị trường nói trên xấp xỉ 3,4 triệu tấn gạo; năm 2012 giảm xuống còn 2,8 triệu tấn; năm 2013 giảm sâu xuống còn 1,1 triệu tấn và năm 2014 có tăng lên nhưng không đáng kể, chỉ xấp xỉ 2 triệu tấn. “Khi các thị trường này nhập khẩu giảm xuống rõ ràng gây khó khăn cho công ty này.
Đáng lẽ khi các thị trường này giảm thì phải tìm kiếm các hợp đồng thương mại để đẩy sang các thị trường khác, nhưng khâu này họ thực hiện yếu kém nên hoạt động công ty mới bị rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay”- ông Bích nói.
Ngoài yếu tố thị trường, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình hình tài chính thảm hại như hiện nay là do Vinafood 2 thiếu hẳn một kế hoạch bài bản, dài hạn cho sự phát triển của thị trường lúa gạo từ thu mua lẫn xuất khẩu dẫn đến việc kinh doanh kém hiệu quả.
Trả lời Phapluatplus.vn, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2 cho biết: Trong 4 vấn đề mà Phó Thủ tướng yêu cầu phải giám sát đối với Tổng Công ty thì chỉ có vấn đề giám sát hàng tồn kho là mới. Ba nội dung còn lại như: thu hồi công nợ phải thu khó đòi, tái cơ cấu ngành nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản cùng với việc thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác cũng như việc bảo toàn vốn thì Vinafood 2 đã thực hiện lâu nay, thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT.
Còn nội dung thứ 5 là để tiến nhanh thực hiện phương án cổ phần hóa thì Tổng Công ty đã trình và được Chính phủ đồng ý cho làm.
Liên quan tới việc thu hồi vốn nhà nước, ông Năng cho biết Vinafood 2 đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi nợ do một Phó Tổng Giám đốc phụ trách triển khai.
Tuy nhiên, khi được hỏi tính đến thời điểm hiện nay Tổng Công ty đã thu hồi được bao nhiêu phần vốn nhà nước thì ông Năng cho biết sẽ kiểm tra và trả lời sau.
Với chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo Chính phủ, dư luận hy vọng trong cuộc họp cuối tuần này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để thu hồi vốn nhà nước tại Vinafood 2, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân liên quan qua các thời kỳ.