Bộ Xây dựng vừa có văn bản “hối” các địa phương báo cáo về kết quả thực hiện và các khó khăn vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn về Bộ Xây dựng trước ngày 15/7/2018 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
|
Nhà A7 Khu tập thể Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu nhưng chưa được cải tạo. |
Trong Văn bản số 1405/BXD-QLN gửi các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng nhận định, kết quả thực hiện cải tạo chung cư cũ tại các địa phương còn chậm, nhiều địa phương chưa chủ động triển khai.
Trước đó, ngày 22/1/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản số đề nghị các địa phương có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện và có báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa gửi báo cáo về Bộ Xây dựng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của các hộ gia đình đang sinh sống trong các chung cư cũ hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức di dời và bố trí tạm cư cho các hộ gia đình đang sinh sống tại các nhà chung cư cũ đã được xác định thuộc diện nguy hiểm (cấp D), đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của các hộ dân trước mùa mưa bão.
Cùng với đó, các địa phương phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn hiểu, đồng thời phân giao và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để thúc đẩy nhanh việc thực hiện chính sách này. Các địa phương thực hiện tổ chức lập, phê duyệt, công bố quy hoạch xây dựng phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực, dự án có nhà chung cư cũ làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích hỗ trợ đầu tư xây dựng và việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.
Các địa phương chủ động tạo lập quỹ nhà để bố trí tái định cư, bố trí tạm cư và tổ chức di dời các hộ gia đình đang sinh sống tại các nhà chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, cần phải phá dỡ để xây dựng lại. Hướng dẫn việc lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định để đẩy nhanh việc đầu tư cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư theo kế hoạch và quy hoạch đã được duyệt.
Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ngày 15/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc rà soát, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Trong đó, yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức rà soát, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn; hoàn thành rà sát sơ bộ trước ngày 31/12/2016 và kiểm định chi tiết trước ngày 31/12/2017.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ, tương đương hơn 3 triệu m2 nhà, được xây dựng trước năm 1994, trong đó, có khoảng trên 600 khối nhà thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ dự án được thực hiện vẫn quá ít so với nhu cầu thực.
Riêng tại Hà Nội, hiện có tới 1.579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu với 1.273 chung cư và 306 chung cư riêng lẻ với quy mô từ 2 đến 5 tầng. Đa số các chung cư cũ nói trên đã hết niên hạn sử dụng và phân bố tại 4 quận nội thành cũ, hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. UBND TP Hà Nội đã giao cho 16 chủ đầu tư nghiên cứu thí điểm 26 khu chung cư cũ, để cải tạo sửa chữa nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân và cảnh quan đô thị...