Trong khi các quầy bán vé đã hết, đặt vé trên mạng càng không được, thì giới "cò" mồi lại có sẵn cả xấp vé để bán.
Chiều ngày 2/12 chúng tôi có mặt tại Ga Hà Nội, mới đặt chân đến khu vực cổng ga thì một “cò” đã tất tả chạy đến. “Cô cần mua vé Tết, cuống vé hay vé đi ngay, mua đi đâu, ngày nào, tôi đều có hết”. Qua trao đổi chúng tôi mới biết thì ra đây là “cò” Kha một trong những bán lâu năm nhất ở đây.
"Cò vé" dám lấy tính mạng để đảm bảo
"Chợ đen vé tàu Tết dễ mua lắm, lại an toàn..", đây là những lời mà cò đã “lấy tính mạng” để thề đi thề lại với chúng tôi.
Khi biết chúng tôi muốn có vé vào ngày giáp Tết về Quảng Bình, cò Kha nói ngay: “ Tiền “dịch vụ” là 200.000 đồng, còn giá vé nằm từ Hà Nội về ga Quảng Bình là 500.000 đồng. Trong khi đó giá vé được nhà ga niêm yết trên bảng treo trước cửa bán vé là 500.000 đồng.
|
Giá vé Tết được ga Hà Nội niêm yết cố định, trong khi giá vé chợ đen giao động thất thường và chênh lệch khá lớn vì khoản gọi là "tiền dịch vụ". |
Khi chúng tôi bảo sẽ đặt vé Tết nhưng chưa biết ngày về cố định, thì “cò” liền nhanh nhạy cho số điện thoại và cách thức liên hệ ngay, còn nhiệt tình bảo các cô cứ gọi lúc nào sẽ có vé ngay lúc ấy và không cần bất cứ thủ tục hay giấy tờ nào!
Thấy chúng tôi băn khoăn khi không cần chứng minh thư nhưng vẫn mua vé tàu, thì cò Kha liền lấy tính mạng mình ra để đảm bảo ngay : “Yên tâm đi đảm bảo các cô lên tàu an toàn, không cần phải chứng minh hay giấy tờ gì đâu, chỉ cần có vé là được, Tết nhất họ sẽ cũng không kiểm soát”. Tôi làm đây lâu năm còn cần phải lừa các cô sao, ở đây cả khối người đã mua vé chỗ tôi và vẫn lên tàu như bình thường”.
|
Trái ngược với cảnh trước cổng nhà ga, bên trong phòng vé rất thưa và ít người đăng ký mua vé |
Nhìn quanh các lối ra vào ở ga Hà Nội có khá nhiều “cò” đang chéo kéo khách mua vé Tết, vé gấp hay vé cuống. Tại đây các cò không hề hoạt động riêng lẻ mà từng tốp một, người kéo khách người bán vé và thêm những người đứng cạnh tư vấn rất năng nổ. Ngược lại bên trong phóng bán vé khá yên tĩnh khác hắn với cảnh ngoài ga với những “cò” nhộn nhịp mời khách chào hàng mua vé tàu Tết.
Cùng buổi chiều đó chúng tôi tiếp cận với những cò khác xung quanh khu vực cổng ga Hà Nội, vừa thấy chúng tôi đến gần cò liền lao vào mồi chài một cách nhiệt tình. “ Chúng tôi muốn đi Nam Định ngay nhưng phòng vé hết”, nghe vậy cò liền lôi điện thoại ra và gọi chưa đầy một phút liền tắt máy và bảo sẽ có vé ngay cho chúng tôi.
|
Cuộc trao đổi mua vé giữa cò và khách |
Ngay sau đó “cò” Toàn liền chở chúng tôi ra cổng sau của ga Hà Nội và bảo chờ để ông đi lấy vé. Một lúc sau đã cầm vé “nóng hổi” trên tay với giá 40.000 đồng nhưng trả tiền gấp đôi là 80.000 đồng vì phí “dịch vụ”. “Cò” còn bảo phí dịch vụ phải chia cho “người ấy” nữa chứ không phải được “ăn mảnh”.
Gặp phải “cò” Hiền khi được biết chúng tôi muốn mua vé về Thanh Hóa liền ra giá gấp đôi với giá trong phóng bán vé là 400.00 đồng bao gồm phí “dịch vụ” và ngồi ghế cứng.
Vé ở đâu chui ra?
Theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam thì vé tàu Tết Bính Thân đều được đưa lên kho và được bán trên trang web www.dsvn.vn , việc bán vé công khai như vậy sẽ tránh được những phần tử trục lợi.
|
Vé đã được đưa lên kho và bán công khai trên mạng, nhưng vẫn xuất hiện một số phần tử trục lợi tuồn vé ra ngoài |
Nhưng khi trò chuyện với “cò” Hiền , bà cho biết chúng tôi chả được bao nhiêu, ăn theo phần trăm thôi, người bỏ vốn thì lấy lời nhiều, chứ chúng tôi chả được bao nhiều, những đại lý hay người bỏ vốn sẽ ăn chênh 150.000 đồng, những đại lý cấp hai sẽ ăn chênh 70.000 đồng, còn lại những “cò” chỉ được 30.000 đồng.
Khi đã đưa vé bán công khai nhằm tránh phần tử trục lợi như vậy. Tại sao trong quá trình điều tra, phóng viên Phapluatplus vẫn thấy các “cò” bán vé một cách công khai như vậy? Rất cần câu trả lời thỏa đáng từ Ban quản lý ga Hà Nội.