Thí sinh cần cân nhắc trước ngưỡng cửa chọn "ngành" học. (Ảnh: Huongnghiep.hocmai.vn) |
Sức hút từ những ngành “hot”
Hiện học sinh lớp 12 đang chuẩn bị ráo riết kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các em là lứa học sinh cuối cùng của chương trình THPT 2006. Bà Thủy cho rằng, từ thực tế công tác tuyển sinh ĐH trong 3 - 5 năm gần đây cho thấy các ngành có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa học xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục. Những ngành chưa thu hút được nhiều thí sinh như nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội, dù đây là những nhóm ngành có rất nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo các chuyên gia, năm 2024, ngành Công nghệ thông tin được dự đoán sẽ tiếp tục là ngành “hot” không chỉ với sinh viên mà còn cả người đi làm, người muốn tìm kiếm cơ hội mới... Hiện mức lương trung bình của nhân viên ngành công nghệ dao động 5 - 8 triệu đồng với những người mới, chưa có kinh nghiệm. Riêng nhân sự có kinh nghiệm sẽ nhận mức lương từ 15 - 30 triệu đồng. Đặc biệt, với những nhân viên làm việc ở nước ngoài, mức lương có thể lên đến 2 - 5 nghìn USD/tháng.
Đặc biệt, trong đó, ngành Công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển bứt phá để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện số lượng kỹ sư Việt Nam tham gia vào các khâu, công đoạn có liên quan tới thiết kế và sản xuất đóng gói chip là khoảng 5.000, còn rất ít so với một số nước dẫn đầu như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ... Vì vậy, để đáp ứng kỳ vọng phát triển, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn. Dự kiến trong năm học tới, các trường sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan đến ngành này. Con số này sẽ tăng dần từ 20 - 30% mỗi năm.
Tại Việt Nam đang có hơn 100 trường đại học đào tạo ngành công nghệ thông tin. Mỗi năm, các trường cung cấp khoảng 50.000 kỹ sư, trong khi dự kiến thị trường đang thiếu 190.000 nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều chuyên gia dự báo, ngành này vẫn sẽ “nóng” trong thời gian tới. Một số trường top đầu đào tạo ngành CNTT có thể kể đến như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, trường Đại học Vinh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Chọn ngành gì cũng cần nỗ lực
Ngành Tâm lý học dự báo cũng là ngành “hot” khi đây là ngành đặc thù không thể sử dụng tới trí tuệ nhân tạo hay sự tác động bởi công nghệ. Trong khi tỷ lệ mắc các chứng rối loạn tâm lý, lo âu, căng thẳng... gia tăng thì nhu cầu cần hỗ trợ từ nhà tâm lý học, nhà trị liệu, cố vấn và nhân viên tâm lý xã hội sẽ tăng lên. Một số trường đại học nổi tiếng có đào tạo ngành này như: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm TP HCM, Trường Đại học Công nghệ TP HCM.
Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường lao động, ngành Marketing ngày nay yêu cầu cao hơn về sự sáng tạo, đổi mới, phù hợp với những người có tham vọng phát triển, thể hiện bản thân. Đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, những công cụ hỗ trợ hiện đại càng làm cho ngành này phát triển mạnh mẽ và phổ biến, rất nhiều sinh viên đã chọn Marketing là ngành nghề phát triển cho sự nghiệp tương lai. Hiện nay, đây là ngành học được đánh giá là sẽ mang lại cơ hội việc làm rộng mở, mức lương cao hơn so với mặt bằng chung. Đặc biệt, Digital Marketing và Content Marketing dự đoán sẽ là vị trí thời thượng nhất trên thị trường đến năm 2030. Thí sinh có thể tham khảo các trường đại học sau: Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Cần Thơ.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, trong bất kỳ ngành nghề nào của nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới đều luôn luôn thiếu những người giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Bà Thủy nhấn mạnh, ngành nghề nào muốn thành công cũng đều yêu cầu sự nỗ lực và cố gắng cao, phải đầu tư về thời gian, công sức, thậm chí tài chính để có được những điều kiện, năng lực cần thiết phục vụ cho nghề nghiệp đó. Đó là sự phấn đấu lâu dài. Chúng ta cũng đừng nghĩ chỉ học một vài năm là có thể ra làm được một nghề. Vì việc học tập là suốt đời, nên mục tiêu thậm chí có thể không nhất thiết phải là một bằng cấp cụ thể. Bằng cấp chỉ là một trong nhiều sự ghi nhận là các em đã đạt được một trình độ, năng lực nhất định để có thể đảm đương được công việc của nghề nghiệp nào đó. Điều quan trọng, khi các em có đam mê và nỗ lực với ngành nghề mình đã lựa chọn, thành công sẽ tới.
window.addEventListener('load', function(){ if(typeof Web_AdsArticleAfterBody != 'undefined'){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleAfterBody, 'adsWeb_AdsArticleAfterBody');}else{document.getElementById('adsWeb_AdsArticleAfterBody').style.display = "none";} });