Hội Báo toàn quốc (trước đây là Hội báo Xuân) do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức là một trong những hoạt động báo chí hiệu quả, thiết thực, tạo ấn tượng tốt đối với công chúng.
|
Hội Báo toàn quốc hằng năm là ngày hội lớn của giới báo chí cả nước. Ảnh: TL |
Tiền thân của Hội báo Xuân Nhân dịp đón Xuân Tân Mùi năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trưng bày báo Xuân. Hơn 100 ấn phẩm đặc biệt số Tết, số Xuân từ các cơ quan báo chí trên cả nước tham gia trưng bày tại Trung tâm Báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, tại phố Lý Đạo Thành, Hà Nội. Chương trình triển lãm diễn ra trong hai tuần được nhiều bạn đọc Thủ đô và cả nước hoan nghênh.
Mỗi Hội báo được tổ chức là một vẻ đẹp riêng, thể hiện sức sống, sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam và khẳng định vai trò quan trọng của báo chí đối với đời sống xã hội, được đông đảo công chúng báo chí đón nhận, ủng hộ nhiệt tình. |
Đến Xuân Nhâm Thân năm 1992, việc trưng bày báo Xuân được tổ chức với quy mô lớn hơn, trở thành triển lãm báo Xuân toàn quốc diễn ra gần nửa tháng tại Trung tâm báo chí của Hội, các cơ quan báo chí trên cả nước đã gửi hơn 150 ấn phẩm đặc sắc về số Tết, số Xuân để tham gia trưng bày. Tại Hội báo, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gợi ý lãnh đạo Hội Nhà báo “nên mở rộng hoạt động văn hóa này thành Hội báo Xuân hàng năm của giới báo chí cả nước”.
Từ Xuân Quý Dậu năm 1993, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức Hội báo Xuân đầu tiên với quy mô toàn quốc. Hội báo được tổ chức tại Trung tâm Báo chí của Hội với 12 gian trưng bày, gồm gian báo chí tổng hợp và 11 gian trưng bày của các đơn vị, địa phương, giới thiệu các ấn phẩm đặc sắc của các cơ quan báo chí trong cả nước. Diễn ra trong 3 ngày, Hội báo Xuân Quý Dậu đã tạo tiếng vang trong công chúng và giới báo chí.
Năm 1994, Hội báo Xuân Giáp Tuất được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội với quy mô lớn hơn và nổi bật hơn. Bên cạnh gian trưng bày báo chí của các cơ quan báo chí Trung ương, có thêm 3 gian trưng bày riêng của Hội Nhà báo Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Cùng với việc trưng bày các ấn phẩm báo chí, Ban Tổ chức Hội báo Xuân còn tổ chức các chương trình giao lưu giữa báo chí mọi miền, giữa nhà báo và công chúng trên cả nước. Trong 4 ngày, Hội báo Xuân Giáp Tuất đã thu hút hơn 20 nghìn lượt người đến tham quan và đọc báo.
Hội báo Xuân Ất Hợi năm 1995 tiếp tục được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội với chủ đề: “Mừng Xuân, mừng đất nước, mừng Đảng, mừng Đại hội lần thứ 6 Hội Nhà báo Việt Nam”. Hơn 350 cơ quan báo chí trong nước đều gửi các ấn phẩm để tham gia trưng bày tại Hội báo Xuân. Bên cạnh gian trưng bày báo chí tổng hợp, thể hiện sự phát triển của báo chí Việt Nam, Hội báo Xuân lần này có tới 18 gian trưng bày riêng của các đơn vị. Hội báo Xuân Bính Tý năm 1996 và Hội báo Xuân Đinh Sửu năm 1997 được tổ chức tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Từ Hội báo Xuân 2016, Ban Tổ chức mở thêm các gian trưng bày cho khối phát thanh và truyền hình. Nhiều cơ quan báo chí đã đoạt giải trong các cuộc thi xã luận hay, câu đối hay, trình bày đẹp do Ban Tổ chức phát động.
Hội báo Xuân Mậu Dần năm 1998, Hội báo đặc biệt, tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), TP. Hồ Chí Minh. Đây là Hội báo Xuân đầu tiên được tổ chức tại phía Nam nhân kỷ niệm 30 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong 4 ngày diễn ra Hội báo Xuân, hàng nghìn người dân tại TP. Hồ Chí Minh và từ các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, các đơn vị quân đội, cùng đông đảo bà con kiều bào và khách nước ngoài đã tới tham quan. Kết thúc Hội báo Xuân, Ban Tổ chức trao toàn bộ số ấn phẩm báo chí trưng bày tại Hội báo tặng cán bộ chiến sĩ, các đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Riêng Hội Nhà báo Hải Phòng trao tặng cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa hơn 1.000 ấn phẩm số Tết, số Xuân.
Đưa Hội báo Xuân về cơ sở
Thực hiện chủ trương “đưa văn hóa về cơ sở”, từ Xuân Kỷ Mão năm 1999, Hội Nhà báo Việt Nam không tổ chức Hội báo Xuân, tạo điều kiện để Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố tổ chức Hội báo Xuân, triển lãm, trưng bày báo chí tại địa phương. Trong suốt ba tuần lễ, từ trước đến sau Tết, hầu hết các cấp Hội Nhà báo địa phương tổ chức thành công trưng bày báo Tết, báo Xuân bằng nhiều cách làm sáng tạo. Không chỉ trưng bày báo Tết, báo Xuân của địa phương, nhiều địa phương còn trưng bày báo chí Trung ương và các địa phương trên mọi miền đất nước, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa nhân dân trong dịp Tết đến, Xuân về.
Năm 2000, kết thúc thế kỷ 20, mừng các ngày lễ lớn của đất nước và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định vừa tổ chức Hội báo Xuân toàn quốc tại Hà Nội, vừa tổ chức Hội báo Xuân tại các địa phương. Hội báo Xuân Canh Thìn năm 2000 diễn ra tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Đây là Hội báo có quy mô lớn nhất sau một thập niên tổ chức triển lãm báo Tết, báo Xuân. Trong 8 ngày diễn ra Hội báo Xuân, Ban Tổ chức đã đón tiếp hơn 50 nghìn lượt người từ mọi miền đất nước và khách nước ngoài đến thăm.
5 năm 1 lần
Chào đón thế kỷ mới, Hội báo Xuân Tân Tỵ năm 2001, được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, hơn 20 gian trưng bày báo chí của Trung ương, địa phương, đoàn thể, lực lượng vũ trang gồm các loại hình báo chí được trưng bày công phu, đa dạng đầy sáng tạo thể hiện sự đổi mới và phát triển vượt bậc của báo chí nước nhà những năm đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong 4 ngày diễn ra Hội báo Xuân, mỗi ngày có hàng chục nghìn người từ khắp nơi trong nước và nhiều du khách nước ngoài đến thăm và chung vui với giới báo chí. Từ Hội báo Xuân Quý Tỵ, Hội Nhà báo Việt Nam quyết định, 5 năm tổ chức Hội báo Xuân toàn quốc một lần, hàng năm Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tổ chức trưng bày báo Tết, báo Xuân tại địa phương.
Hội báo Xuân toàn quốc Ất Dậu năm 2005, Canh Dần năm 2010 và Ất Mùi 2015 đều được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Hội báo Xuân toàn quốc diễn ra trong 4 ngày với sự tham gia của tất cả các cơ quan báo chí, loại hình báo chí thuộc các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương, các lực lượng vũ trang, các tổ chức, đoàn thể,... thể hiện bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có thể nói, mỗi Hội báo Xuân là một cuộc biểu dương lực lượng, đánh dấu bước phát triển mới của báo chí nước nhà. Hội báo là dịp để các nhà báo, cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa hội viên với tổ chức Hội, giữa những người làm báo với công chúng.
Sự khác biệt của Hội Báo toàn quốc
Từ đại hội lần thứ X - năm 2015, Hội Nhà báo Việt Nam quyết định tổ chức Hội Báo toàn quốc thay cho Hội báo Xuân và được tổ chức hằng năm, nâng tầm Hội Báo toàn quốc trở thành ngày Hội của giới báo chí cả nước với nhiều hoạt động thiết thực gắn kết những người làm báo với nhau và người làm báo với công chúng cả nước.
Sau ba năm tổ chức, thành công của Hội Báo toàn quốc đến từ việc kết hợp hài hòa giữa triển lãm, trưng bày các ấn phẩm báo chí với phần hội. Không giống Hội báo Xuân toàn quốc chỉ trưng bày theo từng đơn vị riêng lẻ, Hội Báo toàn quốc trưng bày theo từng khối cụm, báo chí chuyên đề, trong đó có khối báo chí Trung ương, khối cụm báo chí các địa phương với từng chủ đề cụ thể. Các khu vực trưng bày còn toát lên những điểm chung và riêng, vừa có tính toàn cảnh tổng thể trang trọng, vừa có điểm nhấn, hội tụ các yếu tố đa phương tiện với những nét đặc trưng nghề nghiệp của từng loại hình báo chí, từng cơ quan báo chí, qua các tác phẩm tiêu biểu, giúp công chúng báo chí hình dung được bức tranh toàn cảnh về báo chí trong suốt một năm khi tới tham quan Hội báo.
Bên cạnh hoạt động trưng bày các ấn phẩm báo chí tại Hội báo, các chương trình hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về nghiệp vụ, với nhiều chủ đề thiết thực, gắn với xu thế phát triển của xã hội hiện đại như: tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” năm 2018, diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” năm 2017,... được người làm báo trong cả nước đánh giá cao.
Hệ thống các giải thưởng trong khuôn khổ Hội báo góp phần tạo ra nét đặc sắc so với Hội báo Xuân trước đây, như giải Gian trưng bày ấn tượng, đặc sắc; giải Bìa báo Tết đẹp; giải Giao diện đẹp dành cho Báo Điện tử dịp Tết; giải Format chương trình truyền hình ấn tượng dịp Tết, giải Công trình nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ báo chí; giải Phóng sự xuất sắc về đề tài môi trường, biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai,... Những giải thưởng này góp phần cổ vũ những người làm báo, ghi nhận và tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của báo chí, khích lệ những người làm báo tiếp tục thi đua, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí hay, tạo dư luận xã hội tích cực.
Hội Báo toàn quốc cũng thu hút sự tham gia của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khối các cơ quan Trung ương, các cơ sở đào tạo báo chí với nhiều hoạt động sôi nổi đem đến sức trẻ, sự tươi mới... cho thấy, hiệu ứng về ngày hội của giới báo chí quả thực không nhỏ. Sự hưởng ứng của nhiều đối tượng, ở nhiều lĩnh vực chính là minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn và thành công của sự kiện.
Có thể khẳng định, Hội Báo toàn quốc đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng của giới báo chí Việt Nam trong năm, là ngày hội lớn của giới báo chí và công chúng nước nhà, hình thành nét văn hóa mới phục vụ người dân mỗi dịp năm mới. Đồng thời, khẳng định vị thế quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam - là “ngôi nhà chung” của 24.000 hội viên.
Tiếp nối thành công, Hội Báo toàn quốc 2019 diễn ra từ ngày 15 - 17/3 tạo ra bước đột phá so với các năm trước với những gian trưng bày chuyên đề rực rỡ màu sắc của báo chí, những chương trình mang đậm dấu ấn của những người làm báo, là diễn đàn, hội thảo mang tính nghiệp vụ,... đáp ứng chủ đề “Báo chí Việt Nam đổi mới sáng tạo trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân”.