Tình trạng lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp số 2 mặc dù đã được cảnh báo nhiều song vẫn diễn ra, do đó nhiều địa phương đề nghị cần có giải pháp khắc phục.
|
Ảnh minh họa |
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp gồm 2 loại: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Theo đó, Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho cá nhân và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và cấp cho cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Hiện nay, số lượng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 của công dân Việt Nam ngày càng tăng. Thực tế giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho thấy, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 chủ yếu để bổ túc hồ sơ đi lao động nước ngoài, bổ túc hồ sơ xin cấp thị thực nhập cảnh...
Việc ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức lạm dụng quyền được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 của cá nhân khi thực hiện các giao dịch, thủ tục tại các cơ quan, tổ chức là ảnh hưởng đến bí mật cá nhân được pháp luật bảo hộ. Đặc biệt, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, nhất là những người đã được xóa án tích.
Để sử dụng Phiếu số 2 bảo đảm đúng mục đích theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, từ năm 2013, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao, theo đó đề nghị Bộ Ngoại giao trao đổi với các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam đặc biệt là những nước đang yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để cơ quan này hiểu về mục đích sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp số 2 theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp.
Để giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc hiện nay về vấn đề này, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi một số bất cập khi thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, trong đó có nội dung bỏ quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân.
Đồng thời bổ sung quy định về cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng của Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...
Cũng liên quan đến vấn đề Phiếu lý lịch tư pháp, trước tình trạng “quá tải” trong yêu cầu cấp phiếu, có địa phương đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu phân cấp cho cấp huyện tiếp nhận, trả Phiếu số 1, Phiếu số 2 vẫn qua Sở Tư pháp.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lý giải, theo quy định tại Điều 44, Điều 45 và Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp (gồm Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2) cho cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh…
Không quy định việc cấp huyện cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu. Do đó, cấp huyện không có thẩm quyền tiếp nhận và trả Phiếu lý lịch tư pháp nói chung và Phiếu lý lịch tư pháp số 1 nói riêng.
Hơn nữa, để thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, theo quy định, tùy từng trường hợp cụ thể, Sở Tư pháp phải tra cứu tại Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp (Sở Tư pháp là cơ quan tại địa phương có chức năng xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp), phối hợp tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Công an tỉnh (PV27); Bộ Công an (C53), Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự…
Với nhiều đầu mối phải phối hợp tra cứu, xác minh như trên, nếu để cấp huyện thực hiện sẽ phát sinh nhiều đầu mối, không khả thi và không thể thực hiện được, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến thời hạn cấp, tính chính xác của Phiếu lý lịch tư pháp.