Sở Công Thương vừa có tờ trình lãnh đạo thành phố, đề xuất nghiên cứu, phát triển chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM.
Hiện TP.HCM có 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền nằm ở các cửa ngõ, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của TP.HCM, chiếm từ 50% - 70% nhu cầu về sản phẩm tươi và cung ứng khoảng 7.000 – 8.500 tấn thực phẩm mỗi đêm.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức |
Chợ đầu mối Thủ Đức (diện tích 20ha) nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố, bán buôn với các ngành hàng trái cây, rau củ, hoa. Chợ nằm trong khu vực đô thị hóa và chợ hiện đang bão hòa, không có khả năng mở rộng.
Chợ đầu mối Hóc Môn (diện tích 10ha) nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, bán buôn với ngành hàng thịt heo, rau củ. Chợ hiện đang bão hòa, không có khả năng mở rộng.
Chợ đầu mối Bình Điền (diện tích 65ha, giai đoạn 1 là 15ha) nằm ở phía cửa ngõ phía Tây thành phố. Chợ gần như bão hòa nhưng có khả năng mở rộng về phía Nam của thành phố, kết nối khu vực trung chuyển các sản phẩm thực phẩm từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sở Công thương TP.HCM cũng đã làm việc với Tập đoàn Semmaris và Ban Quản lý Chợ quốc tế Rungis (Pháp) về hoạt động tư vấn xây dựng, đầu tư phát triển chợ đầu mối Bình Điền giai đoạn 2.
Nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành được tập kết, giao dịch trực tiếp tại chợ đầu mối |
Theo Sở Công Thương, với cách thức vận hành chưa được thay đổi để thích nghi kịp thời với xu thế phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng, mặt bằng kiến trúc của các chợ đầu mối khá lạc hậu đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Do đó, thời gian tới cần đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến chuyển đổi số trong mô hình hoạt động kinh doanh của 3 chợ đầu mối trên. Đồng thời, Sở Công Thương cho rằng, cần nghiên cứu, đề xuất phát triển thêm một chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, tạo sự kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, rà soát các yêu cầu, điều kiện, tiềm năng, cơ hội, Sở đã trao đổi, làm việc với huyện Củ Chi và Hóc Môn về đề xuất phát triển chợ đầu mối.
Theo đó, ghi nhận huyện Hóc Môn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chợ đầu mối (vị trí, diện tích, giao thông, khả năng kết nối, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giao lưu quốc tế...).
Từ đó, các đơn vị đã thống nhất nội dung dự kiến nghiên cứu, đề xuất phát triển chợ đầu mối tại khu đất ở ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, với diện tích dự kiến trên 100ha.
Một cửa hàng buôn bán nông sản trước chợ đầu mối Hóc Môn |
Chức năng chủ yếu của chợ đầu mối này là tổng hợp các chức năng của trung tâm giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, trung tâm logistic. Theo đó, cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện giao dịch mua – bán hàng hóa nông sản và các loại hàng hóa khác (hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, xuất khẩu...).
Thực hiện khâu phân phối trong chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ, nhất là dịch vụ logistic; phát triển các dịch vụ (như ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác).
Cung cấp thông tin thị trường; kết nối hình thành điểm đến tham quan, mua sắm phục vụ người dân, khách du lịch, hình thành các sản phẩm kinh tế đêm để gia tăng giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đêm trên địa bàn TP.HCM.
Dự kiến nhà nước sẽ quy hoạch khu vực, bố trí quỹ đất và thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ công tác xây dựng, phát triển chợ đầu mối. Còn doanh nghiệp thì đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và quản lý, khai thác hoạt động chợ đầu mối.
Sở Công Thương TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM thống nhất chủ trương theo ý kiến đề xuất trên của sở này. Đồng thời, chấp thuận chủ trương tổ chức đoàn công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý chợ đầu mối tại Pháp.