Dự án mở rộng đường Lương Định Của đã chậm trễ nhiều năm, TP.HCM vẫn đang vất vả để giải phóng mặt bằng. Đến nay, câu chuyện còn tiếp diễn, khi người dân lại xây dựng không phép ngay cạnh con đường này.
Vướng 3 hộ dân
Quá trình thi công Tuyến đường Lương Định Của (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) đã chậm trễ nhiều năm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông thành phố. Tuyến đường Lương Định Của rất quan trọng, đấu nối vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, kết nối trung tâm quận 1… Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này, là do vướng giải phóng mặt bằng đối với 3 hộ gia đình.
Theo văn bản báo cáo (ngày 4/3/2024) của UBND thành phố Thủ Đức, có 2 trường hợp chưa bàn giao lộ giới đường Lương Định Của, gồm hộ ông T.V.S. và H.G.M. (phường An Phú), với diện tích khoảng hơn 921m2. Hiện, thành phố Thủ Đức đã ban hành quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp hành chính thu hồi đất đối với các trường hợp này.
Theo đó, vào ngày 4/4/2023, UBND phường An Phú gửi thư mời nhưng ông M. không đến và không có ý kiến. Trong khi, chủ đầu tư (Công ty CP Kinh doanh phát triển Nhà) không còn quỹ đất nền để bố trí, nên chưa thể tiến hành cưỡng chế.
Trong khi đó, hộ ông M. đã di dời hàng rào vào trong lộ giới đường Lương Định Của nhưng chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Vì vậy, về giải pháp, UBND thành phố Thủ Đức kiến nghị Ban thường vụ Thành ủy cho phép thực hiện cưỡng chế phần diện tích trong lộ giới hơn 161m2 để triển khai thi công làm đường. Phần diện tích còn lại, hơn 276m2, chủ đấu tư tiếp tục thỏa thuận bồi thường.
Còn đối với hộ ông S., ngày 6/7/2023, UBND phường An Phú tiếp xúc ghi nhận gia đình chấp thuận bàn giao mặt bằng, sau khi nhận bố trí tái định cư với diện tích 90m2 và mức hỗ trợ 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư đang khó khăn về tài chính nên chưa thể chuyển tiền cho gia đình, do đó, ông S. không đồng ý bàn giao mặt bằng.
Từ đó, để tháo gỡ, UBND thành phố Thủ Đức kiến nghị Ban thường vụ Thành ủy chấp nhận cho UBND thành phố Thủ Đức tìm nguồn kinh phí ngoài ngân sách (mượn 1,5 tỷ đồng) để chi trả cho gia đình. Sau khi chủ đầu tư có nguồn tiền sẽ hoàn trả lại giá trị mượn tiền trên.
Và trường hợp thứ ba là hộ ông N.V.B. (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức) hiện đã bàn giao mặt bằng thi công dự án mở rộng đường Lương Định Của, nhưng lại xuất hiện tình tiết mới, phức tạp hơn, đó là xây dựng không phép, lấn chiếm đất công, đất dự án…
|
Các hộ dân xây dựng trái phép trong khu vực giải phóng mặt bằng |
Dấu hiệu xây dựng không phép
Thực hiện chủ trương ưu tiên cho dự án mở rộng đường Lương Định Của (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức), chính quyền địa phương vận động gia đình ông B. bàn giao trước khu đất trong lộ giới mở đường.
Đồng thời, chính quyền địa phương hỗ trợ cho phép gia đình ông B. sửa chữa lại nhà (phần bị hư hỏng) do bàn giao đất mở đường, còn chủ đầu tư (Dự án khu nhà ở Cán bộ công nhân viên phường An Khánh, do Công ty Trường Thịnh và Tân Việt An triển khai từ năm 2002) hỗ trợ gia đình ông B. 1 tỷ đồng để ổn định chỗ ăn ở.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Công ty Trường Thịnh cho biết: “Gia đình ông B. đã họp với UBND phường An Khánh và chủ đầu tư cam kết chỉ sửa chữa nhà ở. Tuy nhiên, gia đình ông B. đã tiến hành xây dựng không phép (5 căn nhà kiên cố), với hành vi ép cọc, xây dựng móng nhà kiên cố trái pháp luật trên phần đất đã chiếm giữ (phần đất kênh rạch đã san lấp trái phép) và lấn sang cả phần đất của dự án”. Thực tế, ghi nhận tại hiện trường nhà ông B., đó là công trường xây dựng, đang tiến hành ép cọc, đào móng để xây dựng công trình kiên cố mới.
Căn cứ theo bản đồ hiện trạng vị trí do Trung tâm Đo đạc bản đồ lập ngày 24/8/2012 và UBND phường xác nhận ngày 5/9/2012, thì gia đình ông B. đang thi công xây dựng công trình lấn sang phần diện tích của chủ đầu tư.
Về vụ việc này, ngày 27/3/2024, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo: “Giao UBND thành phố Thủ Đức khẩn trương kiểm tra thông tin, kiến nghị để xử nghiêm các hành vi xây dựng không phép, lấn chiếm đất đã bồi thường tại dự án (nếu có) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 10/4/2024”.
Tiếp đó, ngày 18/4/2024, ông Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo đối với hộ ông B.: “Giao Phòng An ninh kinh tế phối hợp với các đơn vị thuộc UBND thành phố Thủ Đức nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch cưỡng chế các công trình sai phép, lấn chiếm đất nằm trong dự án 3ha của Công ty Trường Thịnh, hoàn trả các nền đất của hộ ông B. và những người dân khác để phục vụ triển khai dự án”.
Đồng thời, giao Công an thành phố Thủ Đức nắm tình hình các thể loại đối tượng, số người đang lấn chiếm đất thuộc dự án 3ha của Công ty Trường Thịnh, phối hợp với các đơn vị liên quan để phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trước và trong quá trình thực hiện cưỡng chế về tình trạng xây dựng trái phép của hộ ông B.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, đại diện hộ gia đình ông B cho biết, khu đất trên của gia đình sử dụng từ năm 1976, đến năm 1998, Chính phủ có quyết định quy hoạch khu vực này. Đến nay, gia đình ông B chưa chuyển đi là do các bên chưa thống nhất, thỏa thuận được phương án bồi thường.
Liên quan đến vụ việc, ngày 13/5 vừa qua, UBND phường Anh Khánh có buổi làm việc với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức, Thanh tra xây dựng thành phố Thủ Đức. Đồng thời, ngày 15/5, UBND thành phố Thủ Đức có buổi làm việc với Công ty Trường Thịnh liên quan đến nội dung xây dựng không phép của gia đình ông B.
Thiết nghĩ, những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng này đều xuất phát từ việc các bên chưa thống nhất được việc hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư... Do vậy, để sớm giải quyết được việc giải phóng mặt bằng để đưa dự án vào triển khai đúng tiến độ, các bên cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố để đưa ra phương án phù hợp nhất.