Nhiều hộ dân ở thôn Gia Lạc (xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) phản ánh, nhiều năm qua, trại nuôi vịt, heo của ông Phan Tiến Dũng (ngụ xã Cát Minh) thường xuyên bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Sau nhiều lần người dân phản ánh, chính quyền địa phương có vào cuộc xử lý nhưng “đâu vẫn vào đấy”.
Trước phản ánh trên của người dân, phóng viên đã có mặt ở khu vực trên để tìm hiểu thực tế. Theo ghi nhận, trại nuôi vịt, heo của ông Dũng nằm trong khu vườn đào trên quả đồi có diện tích khoảng hơn 3ha, cách khu dân cư và trường tiểu học khoảng vài trăm mét. Mặc dù đứng cách xa trại nhưng vẫn cảm nhận được mùi hôi thối rất khó chịu.
|
Ông Dũng đang nuôi 5.500 con vịt trên đất thuê của xã. |
Trại nuôi vịt, heo của ông Dũng nằm ở khu vực đồi cao, cạnh đó là con đường đi nằm dưới thấp, rồi đến đất trồng hoa màu của người dân. Thời điểm chúng tôi có mặt, nước đen ngòm, đặc quánh chảy ra từ trại xuống con đường đi, đồng thời bốc mùi hôi nồng nặc.
Trong khuôn viên trại, vịt thả nuôi trong nhiều khu vực được ngăn bằng lưới B40, với số lượng lên đến hàng ngàn con. Ngoài ra, tại đây còn có dãy chuồng dùng để nuôi heo, với số lượng khoảng gần 50 con. Bên cạnh đó, một số ngôi mộ trong khu vực này mặc dù được bao lưới B40 nhưng vịt vẫn rúc rỉa vào chân mộ.
|
Nước đen ngòm, đặc quánh chảy ra từ trại xuống con đường đi, đồng thời bốc mùi hôi nồng nặc. |
Theo bà Đ.T.D (ngụ thôn Gia Lạc), thời điểm mùi hôi thối bốc lên nhiều nhất là khoảng 19h - 20h. Thời điểm này, hầu hết các hộ dân ở gần trại nuôi vịt, heo của ông Dũng đều phải đóng cửa kín mít ở trong nhà, chứ không dám mở ra vì không chịu nổi mùi hôi thối. Giếng nước của nhiều hộ dân ở đây cũng bị ô nhiễm, không thể sử dụng được. Nguyên nhân là do nước thải từ trại nuôi vịt, heo của ông Dũng ngấm xuống lòng đất.
“Trại nuôi vịt, heo này gần trường học, trẻ em nhiều nên ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu là điều không thể tránh khỏi. Tôi đề nghị chính quyền phải di dời trại này đi chỗ khác, cách xa khu dân cư, trả lại cuộc sống trong lành cho người dân, chứ cuộc sống đảo lộn mãi thế nay sao chịu nổi”, bà D bức xúc.
|
Theo bà D, giếng nước của bà bị ô nhiễm, không thể sử dụng được là do nước thải từ trại nuôi vịt, heo của ông Dũng ngấm xuống lòng đất. |
Theo ông Võ Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, khu vườn đào nói trên là đất UBND xã cho ông Dũng thuê từ năm 2002 để sản xuất và chăn nuôi với diện tích 3,5ha. Hiện ông Dũng đang nuôi 5.500 con vịt, không nuôi heo. Sau khi nhận phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm, địa phương đã làm việc với ông Dũng. Hiện tại, ô nhiễm liên quan đến môi trường đã ổn định.
“Ông Dũng đã làm bể lắng, bể lọc, thường xuyên gom phân; đồng thời xử lý vi sinh, bơm khử mùi, dọn chuồng trại, không để xả thải trực tiếp ra bên ngoài. Địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc chăn nuôi, không để ảnh hưởng đến người dân”, ông Thọ nói.
|
Ông Dũng đang nuôi khoảng gần 50 con heo nhưng vị Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh lại bảo không nuôi heo. |
Ông Thọ cho rằng địa phương kiểm tra và có biên bản kiểm tra liên quan đến trại chăn nuôi của ông Dũng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp biên bản kiểm tra lần gần nhất thì ông Thọ trả lời sẽ gửi sau. Sau đó, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ ông Thọ đề nghị cung cấp biên bản nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.
Trước phản ánh trên, ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành chức năng, địa phương kiểm tra, xử lý ngay. Nếu trại chăn nuôi ảnh hưởng đến người dân thì sẽ cho dừng hoạt động hoặc di dời đến vị trí khác”. Như vậy, trong lúc chờ chính quyền kiểm tra, xử lý thì người dân vẫn phải tiếp tục sống trong tình trạng ô nhiễm...
|
Một ngôi mộ trong khuôn viên trại mặc dù được bao lưới B40 nhưng vịt vẫn rúc rỉa vào chân mộ. |
Thiết nghĩ, chính quyền cần phải khẩn trương, quyết liệt xử lý nghiêm và triệt để, tiến hành quan trắc không khí cũng như kiểm tra nguồn nước ô nhiễm. Trường hợp không đủ điều kiện hoạt động thì cần yêu cầu dừng hoạt động, xử lý theo quy định của pháp luật để bảo đảm cuộc sống trong lành cho người dân.