Cần phải thực hiện nghiêm, triệt để các Văn bản hành chính, Quyết định hành chính và Bản án hành chính luôn là một yêu cầu cấp thiết, không chỉ giúp củng cố niềm tin của nhân dân vững chắc từ cơ sở mà còn là giải pháp góp phần chống tham nhũng tiêu cực và lợi ích nhóm hiện nay.
Do tính chất đặc thù của quan hệ pháp luật hành chính khi một bên luôn là chủ thể đặc biệt được sử dụng quyền lực Nhà nước, nên thực tiễn đang xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, người có thẩm quyền lạm dụng quyền năng này để thực hiện hoặc không thực hiện hành vi hành chính theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, phải có chế tài để bảo đảm người có thẩm quyền thực hiện nghiêm, triệt để các Văn bản hành chính, Quyết định hành chính và Bản án hành chính luôn là một yêu cầu cấp thiết.
Điều này không chỉ giúp củng cố niềm tin của nhân dân vững chắc từ cơ sở mà còn là giải pháp góp phần chống tham nhũng tiêu cực và lợi ích nhóm hiện nay.
Đó là nhận định chung của một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp lý chia sẻ với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về loạt bài về những hệ lụy đằng sau Bản án hành chính, Quyết định hành chính...
|
Ông Hoàng Đức Thắng - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. |
Ông Hoàng Đức Thắng - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Thực hiện nghiêm và giải quyết triệt để các Văn bản hành chính, Quyết định hành chính và Bản án hành chính thì tham nhũng không còn "đất sống"!
"Tôi được biết có địa phương, có nhiều bản án có hiệu lực pháp luật nhưng rất nhiều năm rồi mà chính quyền địa phương và người có thẩm quyền có nghĩa vụ chấp hành nhưng vẫn không chấp hành thi hành án; nhiều phiên tòa rất khó khăn trở ngại khi người bị kiện không có mặt theo luật định cũng là nguyên nhân làm vụ án kéo dài.
Do vậy, rất cần phải xem xét nghiêm túc việc thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật tồn đọng nhiều năm, khắc phục cho được và căn bản tình trạng dây dưa, vắng mặt trong tham gia tố tụng tại các phiên tòa hành chính và việc thiếu trách nhiệm trong thi hành các bản án Hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước và xử lý nghiêm túc theo quy định về xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính.
Chúng ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động vì dân thì những thông điệp trên đây rất cần được quan tâm đầy đủ để hành động quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn trước cử tri và nhân dân… Từ những viện dẫn đã nêu, nâng cao chất lượng giải quyết những vụ án hành chính là góp phần chống tham nhũng hiệu quả. Đặc biệt, nếu thực hiện nghiêm và giải quyết triệt để các Văn bản hành chính, Quyết định hành chính và Bản án hành chính thì tham nhũng không có đất sống."
|
Trung tướng Trần Văn Độ, (nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao). |
Trung tướng Trần Văn Độ, (nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao): Cần chế tài nghiêm khắc để công lý hành chính được thực thi!
“Do chủ thể ban hành Quyết định hành chính, Văn bản hành chính là những người phải có chức vụ, quyền hạn nên một bộ phận cán bộ đã lạm dụng quyền năng này, họ tự cho mình có đặc quyền mà không nghĩ mình có trách nhiệm. Tòa án là đại diện công lý, mọi người phải tôn trọng công lý nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Một bộ phận người có thẩm quyền không nhận thức được trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật về việc phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành bản án, quyết định của Toà án nhân danh Công lý ban hành. Vì vậy, khi bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà người phải thực thi bản án, không thực hiện thì cần áp dụng theo Điều 107 của Hiến pháp 2013 để xử lý."
|
Luật sư Hoàng Đức Trình (VPLS Hoàng Đức Trình, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang). |
Luật sư Hoàng Đức Trình (VPLS Hoàng Đức Trình, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang): Thực hiện tốt Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính góp phần thượng tôn pháp luật, đẩy lùi tham nhũng!
“Nâng cao chất lượng án hành chính là nội dung đã nhận được sự quan tâm rất nhiều của người dân cũng như của các cơ quan có trách nhiệm từ rất lâu; chủ đề này cũng từng làm nóng nhiều phiên thảo luận hay chất vấn của các kỳ họp Quốc hội. Thực tế, chúng ta đã có Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, nhưng có vẻ chưa thực hiện triệt để. Thực tế, có nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước nhưng không tự nguyện thi hành là biểu hiện của việc thiếu tuân thủ pháp luật mà lẽ ra họ phải nêu gương trước, điều này khiến kỷ cương phép nước không được thực hiện nghiêm.
Bởi vậy, tôi cho rằng vẫn cần phải thực hiện theo diện “ưu tiên” thực thi những vụ án đang được dư luận quan tâm trước để làm điểm, tạo "phong trào" thi hành án đối với các vụ án hành chính khác; có như vậy mới bảo đảm tinh thần "thượng tôn pháp luật".
Theo báo cáo công tác xét xử, năm 2024, các Tòa án đã thụ lý 13.009 vụ ( tăng 847 vụ), xét xử được 10.006 vụ đạt 76,92% vượt so với Nghị quyết Quốc hội giao (60%). Tuy nhiên, số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành xong còn nhiều; số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng gia tăng. Năm 2024, số bản án chưa thi hành án xong là 1.077 việc, kết quả các vụ án hành chính thi hành xong đạt 45,41%. |