Ngày 10/12, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã tiến hành miễn nhiệm, bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Dự kỳ họp có ông Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long đã trình bày Tờ trình về việc đề nghị miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Trần Đức Quý do nghỉ hưu trước tuổi.
Tờ trình đề nghị miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với các ông: Nguyễn Hồng Hải, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sùng Đại Hùng, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội do nghỉ hưu hưởng chế độ; Triệu Trung Hiệp, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh; Lương Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Sở Tài chính; Đỗ Quốc Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ; Đinh Thế Mạnh, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường do chuyển công tác.
|
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang tặng hoa bà Vương Ngọc Hà được bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh khóa XVIII. |
Các đại biểu tham dự phiên họp đã tiến hành biểu quyết nhất trí thông qua.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long trình bày Tờ trình về việc đề nghị bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với bà Vương Ngọc Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu kín. Kết quả, 100% đại biểu tham dự phiên họp đồng ý.
Tại phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn đã trình bày Tờ trình về việc đề nghị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Sơn do nghỉ hưu trước tuổi.
Các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết nhất trí miễn nhiệm chức danh đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với các ông: Nguyễn Văn Sơn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đức Quý, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang.
Kỳ họp dự kiến thông qua 27 dự thảo nghị quyết chuyên đề; xem xét báo cáo kết quả công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh và các báo cáo khác của Thường trực HĐND, UBND tỉnh.
Các Ban của HĐND tỉnh; báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Giang"; nghe Thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp; nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; thực hiện công tác cán bộ.
Đồng thời, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên của UBND tỉnh về những vấn đề mà cử tri, Nhân dân và đại biểu quan tâm.
Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Hà Giang đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Có 31/36 chỉ tiêu phát triển KT - XH đạt và vượt kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 119,9% kế hoạch; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 308 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 19.861 tỷ đồng; các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp chủ yếu đều đạt và tăng cao; thu hút trên 3,2 triệu lượt khách du lịch; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.200 tỷ đồng; 3 chương trình MTQG triển khai động bộ, hiệu quả; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang hoàn chỉnh giải phóng mặt bằng; giải ngân vốn đầu tư công đạt 83,9%.
Các vấn đề về giáo dục, y tế, chuyển đổi số, giảm nghèo, phòng chống tham nhũng, thanh tra, tiếp công dân và an sinh xã hội được quan tâm, chú trọng; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 6,26%.
Bên cạnh kết quả nổi bật, tình hình phát triển KT - XH cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 đợt thiên tai gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư một số dự án đầu tư công còn chậm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp; các tiêu chí Nông thôn mới chưa đạt; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa bền vững, chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; chất lượng giáo dục chưa đồng đều.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, UBND tỉnh đặt ra 36 chỉ tiêu phát triển KT - XH chủ yếu để các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả.