Chuyển đổi số đã trở thành yếu tố thiết yếu trong việc nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại Kiên Giang, chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, từ chính quyền đến giáo dục và an sinh xã hội, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Kiên Giang đã có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện chuyển đổi số. Tính đến đầu năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành 106/106 quy trình trong hệ thống thông tin báo cáo và bổ sung thêm 2.000 tài khoản người dùng. Tỉnh đã ghi nhận 7.288 chứng thư số đang hoạt động, cho thấy nỗ lực lớn trong việc xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số.
Ngoài ra, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cũng đã được kết nối thành công với cơ chế đăng nhập một lần (SSO) của Bộ Công an. Việc áp dụng tài khoản VNeID giúp đơn giản hóa quy trình cho người dân, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong hoạt động hành chính. Đến ngày 5/11/2024, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống đã vượt 422.509 hồ sơ, với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 98%, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 69,3% và tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 73,89%.
|
Ông Nguyễn Lưu Trung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (đứng thứ 3 từ phải qua) và ông Võ Minh Trung – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang (đứng đầu từ phải qua) tại Chương trình phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia. |
An toàn thông tin cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số. Theo đó, Kiên Giang đã thành lập Trung tâm Giám sát an toàn thông tin, kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để theo dõi và cảnh báo các nguy cơ an ninh mạng. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu tỉnh hoạt động ổn định và đã ghi nhận gần 3,3 triệu lượt rà quét, ngăn chặn các tấn công vào hệ thống, từ đó bảo vệ thông tin của người dân và tăng cường lòng tin vào các dịch vụ công trực tuyến.
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian qua tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số; đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả khu dân cư; nâng cao dung lượng kết nối, chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng.
|
Ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang. |
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang Võ Minh Trung, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên địa bàn tỉnh; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng để mở rộng kết nối, xóa các điểm trắng sóng, vùng lõm sóng di động để tất cả người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông, tham gia chuyển đổi số và hưởng thụ thành quả chuyển đổi số. Thông qua việc xóa vùng lõm, vùng trắng sóng di động góp phần thu hẹp khoảng cách số, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, hạ tầng viễn thông được phát triển đồng bộ đáp ứng yêu cầu kết nối, thông tin, liên lạc, ứng dụng công nghệ số của người dân, góp phần phát triển xã hội số, kinh tế số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. 100% khu dân cư ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia và được phủ sóng mạng thông tin di động, dịch vụ truy cập internet băng rộng di động. Trong đó, tốc độ truy cập internet băng rộng di động ước 52,6 Mbps, internet băng rộng cố định 92,3 Mbps.
Chuyển đổi số cũng đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực giáo dục tại Kiên Giang. Các trường học đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý. Việc sử dụng phần mềm quản lý học sinh, tổ chức lớp học trực tuyến và phát triển các bài giảng điện tử đã giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Thế nhưng, vẫn còn nhiều giáo viên và học sinh chưa quen với việc sử dụng công nghệ trong học tập. Tỉnh cần đầu tư vào đào tạo và trang bị thiết bị cho các trường học, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận công nghệ.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp tại Kiên Giang đang dần nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử, marketing số và quản lý dữ liệu. Sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới như dịch vụ du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kiên Giang đã triển khai chuyển đổi số hiệu quả trong quản lý an sinh xã hội. Việc chi trả các khoản trợ cấp không dùng tiền mặt đã tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân. Tỉnh đã thu thập thông tin của hơn 100.000 đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sự minh bạch và kịp thời trong chi trả.
|
Các đại biểu nghe thuyết trình về các giải pháp chuyển đổi số. |
Ông Võ Minh Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang chia sẻ, để tiếp tục triển khai chuyển đổi số hiệu quả, Kiên Giang sẽ tập trung vào nhiều giải pháp như tăng cường ứng dụng chữ ký số trong các hệ thống văn phòng điện tử và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Ngoài ra, nâng cao vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kỹ năng số cho người dân, giúp họ hiểu rõ hơn về các dịch vụ công trực tuyến và bảo mật thông tin cá nhân. Đồng thời, việc phát triển Trung tâm dữ liệu và đầu tư thiết bị chuyên dùng sẽ là những bước đi quan trọng trong việc hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước.
“Chuyển đổi số tại Kiên Giang đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ nhân dân và đảm bảo an toàn thông tin là những mục tiêu quan trọng mà tỉnh đang hướng tới. Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Kiên Giang hoàn toàn có thể gặt hái thành công trong hành trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai”, ông Trung nhấn mạnh.