Lễ phát động “Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi” tại TP HCM là sự nối tiếp thành công của “Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động ngày 19/5/2024 tại TP Hà Nội. Sự kiện này đã lan tỏa ý nghĩa rất lớn trong cộng đồng, số lượng người đăng ký hiến tạng tăng cao.
Các đại biểu tham dự lễ phát động. |
Tại lễ phát động, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cam kết với lãnh đạo trung ương sẽ đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện để tiến hành phát động đăng ký hiến mô tạng tại TP HCM nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, TP HCM sẽ chỉ đạo ngành y tế, sở ngành các cấp triển khai công tác đồng bộ, tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, nghiên cứu các chính sách, các hình thức tôn vinh để có thể động viên kịp thời các tổ chức, các cá nhân tham gia hiến mô, tạng.
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại lễ phát động. |
Việt Nam hiện đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng. Nhưng hiện nguồn hiến mô, tạng từ người sau chết còn khan hiếm so với nhu cầu người bệnh được ghép.
Tỷ lệ hiến tạng Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trong khi đó tỷ lệ ghép lại cao nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1.000 ca/năm. Dù số lượng được ghép cao như vậy nhưng danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài, có rất nhiều người không có tạng để ghép.
Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 6 - 8 người, giúp cải thiện sức khỏe cho gần 100 người, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau khi chết. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ phát động. |
Để đạt được số ca hiến gọi là kỷ lục ở giai đoạn này, bên cạnh công tác truyền thông, các bệnh viện đã đẩy mạnh công tác tư vấn, vận động tại bệnh viện, thành lập tổ tư vấn để vận động tới gia đình khi phát hiện có bệnh nhân chết não tiềm năng. Điều đặc biệt cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, chung tay ủng hộ việc hiến tặng mô, tạng sau chết.
Theo Ban tổ chức, điều đặc biệt để tạo nên thành công là cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, chung tay ủng hộ việc hiến tặng mô, tạng sau chết. Cần sự hoàn thiện về pháp luật để nguồn hiến mô, tạng phát triển trong thời gian tới.
Dịp này, nhiều đại biểu và nghệ sĩ đã trực tiếp đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đây không chỉ là hành động cứu sống người khác, mà còn là di sản nhân văn, biểu tượng của tình yêu thương và sự sẻ chia.
Tại lễ phát động, nhiều đại biểu và nghệ sĩ đã trực tiếp đăng ký hiến tặng mô, tạng. |
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang đề xuất Chính phủ ban hành Ngày Hiến tạng Quốc gia là ngày 20/5 hàng năm (ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng). Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ đề xuất với Quốc hội cho phép sửa đổ, bổ sung Luật Hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác để phù hợp với yêu cầu thực tiễn ngay trong năm 2025.
Tags: