Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Bến Tre tham dự lễ phát động. |
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn TP Bến Tre có hơn 1.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Ngoài ra, các loại hình thức ăn đường phố đang phát triển nhanh gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, TP Bến Tre đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho cộng đồng, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, do nhận thức của người dân, cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa đồng đều; mặt khác, một bộ phận đơn vị, doanh nghiệp và người tiêu dùng còn thờ ơ, ngại đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình và người tiêu dùng, từ đó vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Phó chủ tịch UBND TP Bến Tre Nguyễn Văn Thương phát động tháng hành động. |
Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, với chủ đề “Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thương đã kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cộng đồng chung tay hành động bằng những việc làm thiết thực để đảm bảo nguồn thực phẩm luôn an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen quan tâm đến chất lượng hàng hóa, thực phẩm; từ chối tiêu thụ thực phẩm tại các cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây mất an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Bến Tre, bà Nguyễn Thị Minh Thùy cho biết: “Xác định tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, là cơ sở kinh doanh thực phẩm, bản thân tôi luôn cập nhật những văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm để hiểu và làm đúng, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Hưởng ứng tháng hành động, tôi cam kết thực hiện những việc làm thiết thực nhất để bảo vệ an toàn sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội”.
Trong những năm qua, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được Đảng, nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm, từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và thay đổi hành vi người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm. Hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường và có hiệu quả cao hơn.
Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, huy động được các ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm cũng đã được chú ý nâng cao năng lực. Tất cả những vấn đề này góp phần làm giảm dần số vụ ngộ độc thực phẩm.