Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm, Hà Nội đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.
|
TP Hà Nội hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. (Hình minh hoạ) |
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm, Hà Nội đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Trong đợt kiểm tra gần đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện và xử phạt hàng hoạt cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chỉ trong một tuần, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ gần 70.000 lọ nước yến không nhãn mác và hơn 1,6 tấn chân giò lợn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Những phát hiện này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về thực trạng thực phẩm không an toàn vẫn xuất hiện trên thị trường. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, chỉ trong tháng 10/2024, cả nước đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 183 người bị ảnh hưởng, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm đến nay, con số này đã lên tới 99 vụ với hơn 3.500 người bị ngộ độc và 12 trường hợp tử vong. |
Trước những nguy cơ trên, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thành phố cũng chú trọng công tác tuyên truyền, giúp nâng cao ý thức của người dân về an toàn thực phẩm, đồng thời trang bị kiến thức để người tiêu dùng tự bảo vệ bản thân trước các sản phẩm kém chất lượng.
Thành phố Hà Nội đang quyết liệt trong việc ngăn chặn thực phẩm không an toàn, yêu cầu các cơ sở vi phạm phải khắc phục trước khi được phép tiếp tục hoạt động.
Đồng thời, thông tin về các cơ sở đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng sẽ được công bố rộng rãi để người dân có cơ sở lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay các sản phẩm kém chất lượng.