Sở GD&ĐT TP HCM tổ chức cuộc họp với Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức về công tác chuẩn bị tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2024-2025. Theo đó, Sở GD&ĐT dự kiến tiếp tục thí điểm thực hiện bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp tại nhiều quận, huyện.
Năm 2023, TP HCM thí điểm đưa bản đồ GIS vào tuyển sinh đầu cấp tại quận 8, Tân Bình và TP Thủ Đức. Hệ thống này đã cung cấp cho cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh có một cái nhìn tổng quan các dân cư thuộc địa bàn, giúp việc phân bổ học sinh vào các trường phù hợp với khoảng cách từ nhà tới trường.
Năm nay, TP HCM dự kiến mở rộng việc sử dụng bản đồ GIS vào công tác tuyển sinh ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh.
Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thái Hưng, Quận 8. |
Bên cạnh đó, năm học 2024 - 2025, TP HCM tiếp tục triển khai tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến thống nhất trên toàn TP tại địa chỉ tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, qua mã định danh của học sinh. Đồng thời, dự kiến các mốc tuyển sinh đầu cấp tại các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ được thống nhất. Thời điểm bắt đầu tuyển sinh và công bố kết quả tuyển sinh phải thống nhất trên toàn thành phố. Tiến độ thực hiện rõ ràng, bài bản, cụ thể hơn.
Là địa phương từng thí điểm thực hiện tuyển sinh đầu cấp bằng bản đồ GIS, ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cho hay, năm 2024, quận sẽ tiếp tục thực hiện hình thức trên.
Theo ông Dân, bản đồ GIS đã tạo điều kiện để học sinh đi học gần nhà, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hình thức này vẫn có những áp lực đối với các trường "hót", được nhiều phụ huynh quan tâm.
Mục tiêu của việc sử dụng bản đồ GIS là phấn đấu mỗi học sinh sẽ được học tại trường gần nhà. |
Trong quá trình thực hiện, dù được phân tuyến theo bản đồ GIS nhưng một số phụ huynh sau khi được phân tuyến lại muốn chuyển trường. Có phụ huynh vì muốn cho con học vào trường điểm của quận nên ghi bừa địa chỉ, đến giai đoạn kiểm tra hồ sơ tại trường mới phát hiện. “Trong năm học tới, để giải quyết tình trạng này, quận 8 sẽ phối hợp chặt chẽ với công an trong việc xác định tình trạng cư trú của người dân để phục vụ công tác tuyển sinh”, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cho biết.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT TP HCM, cho biết bản đồ GIS đã giúp cho các phòng GD&ĐT có thể phân bổ học sinh vào các trường một cách uyển chuyển, linh hoạt, không còn cứng nhắc như trước đây khi phân bổ theo hộ khẩu.
Các em học sinh tham gia biểu diễn văn nghệ tại một trường tiểu học trên địa bàn TP HCM. |
Đặc biệt từ việc áp dụng bản đồ GIS kết hợp với dữ liệu đăng ký của học sinh từ các đơn vị, Sở GD&ĐT đã có một cái nhìn tổng quan trong việc phân bổ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, từ đó đưa ra được các đánh giá phục vụ cho việc phát triển hệ thống trường lớp trong tương lai có phù hợp với sự phát triển dân số của từng khu vực.
Tuy nhiên, việc áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh nên đóng vai trò là công cụ hỗ trợ kết hợp với công tác phổ cập, rà soát, phân bổ địa bàn trong việc phân bổ học sinh vào các trường. Nếu chỉ áp dụng GIS trong công tác tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như công tác phổ cập, rà soát địa bàn thì sẽ xảy ra tình trạng dư, thiếu học sinh cục bộ ở một số trường.
Học sinh trường Tiểu học Nam Việt, Quận 12 hào hứng trong một buổi tham quan, dã ngoại. |
"Để thực hiện tốt, phòng GD&ĐT phải phối hợp với Ban chỉ đạo đề án 06 làm tốt việc xác định mã định danh của học sinh. Đồng thời, khi có sự thay đổi về địa chỉ cư trú phải được cập nhật kịp thời, chính xác", ông Dương Văn Dân cho biết.
Theo Sở GD&ĐT TP HCM, sau khi họp bàn thống nhất phương án tuyển sinh, Sở sẽ trình kế hoạch tuyển sinh đầu cấp lên UBND TP HCM. Dự kiến, giữa tháng 3, UBND TP HCM sẽ ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025.