Mỗi ngày hàng chục tấn thịt lợn nái hết đát được hô biến thành thịt lợn mán, lợn rừng bán ra ngoài thị trường, vậy các gian thương đã tiêu thụ như thế nào?
3h sáng tại TP Tam Kỳ, những chiếc ô tô chờ sẵn, hàng chục thùng xốp chứa đầy thịt được chất lên xe. Sau khi nhận hàng từ các nhà mổ trên địa bàn, xe tiếp tục di chuyển khoảng 70km về TP Đà Nẵng. Dọc đường đi những bọc thịt được thả ven đường cho các thương lái đã chờ sẵn.
7h sáng tại chợ Miếu Bông, TP Đà Nẵng những khúc thịt lợn còn lạnh, với lớp da vàng óng được bày bán công khai. Danh phận của những con lợn gày còm, bệnh tật đã chính thức được lên ngôi với tên gọi là lợn rừng.
Nhằm thu hút khách, tiểu thương còn cho biết, lợn được đồng bào dân tộc nuôi. Thức ăn chủ yếu là hoa quả và cây cỏ. Nên những khúc thịt cũng khác biệt với thịt lợn thông thường. Nhập về tới đâu khách hàng mua hết tới đó.
Mỗi con lợn hết đát, khi thu gom chỉ có giá khoảng 300 nghìn đồng, nhưng khi phù phép thành lợn rừng giá bán được tăng vọt lên cả chục lần. Siêu lợi nhuận đã khiến nhiều người bất chấp các thủ đoạn để đánh lừa người tiêu dùng.