Ông lão mắc án tử hình 43 năm ở Bắc Giang, chưa được minh oan giờ đã thấy cơ hội trả lại danh dự cho một kẻ được coi là sát nhân.
|
Ảnh minh họa. |
Năm 1970, trên đường mưu sinh cùng người em họ sang Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) qua đêm ở một quán cắt tóc, bị cướp, hai anh em chống trả, ông bị thương, người em họ chết, ông bị vu là thủ phạm, 2 cấp xét xử đều tuyên tử hình.
Năm 1975, tên cướp trẻ gây ra cái chết này nhận tội, ông được tha tù về địa phương với lý do sức khỏe “không làm được việc nặng”.
Và chỉ có thế, không hề có một quyết định, văn bản gì khác, ông liên tục kêu oan và được sự trợ giúp của các luật sư, giờ đây TANDTC đã xem xét vụ việc, triệu tập một cuộc họp liên ngành lấy ý kiến giải quyết vụ việc này.
May mắn hơn ông rất nhiều là mới đây một thanh niên hành nghề sửa chữa điện thoại ở quận 10 (TP HCM) suýt bị vướng vào lao lý nhưng được “giải thoát” kịp thời.
Một trưa, công an bất ngờ ập vào khám xét cơ sở kinh doanh của anh, tịch thu 40 điện thoại cũ, định giá 120 triệu đồng(?!), dọa khởi tố vụ án, khép anh vào tội “kinh doanh trái phép”.
Báo chí kịp thời lên tiếng, phản ảnh vụ việc rất giống vụ quán cà phê “Xin Chào” xảy ra trước đây không lâu ở thành phố này. Mới đây, anh đã được “tha” khi Công an quận 10 ra quyết định không khởi tố vụ án vì “xét thấy hành vi này không cấu thành tội phạm”.
Tại một diễn biến khác, Báo Pháp luật Việt Nam đeo đuổi vụ một doanh nhân ở Ninh Bình bị kết án oan đòi bồi thường thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Sau nhiều lần bị các cơ quan tiến hành tố tụng ở đây phủ nhận, phải có ý kiến từ cấp trên thì TAND huyện Gia Viễn mới tính chuyện bồi thường tí chút.
Sự việc này diễn ra từ năm 2007 đến bây giờ chưa xong nhưng điều thú vị là phóng viên phát hiện ra “bộ mặt thật”của một số thẩm phán, ví dụ, ông thẩm phán đại diện cho Tòa giải quyết vụ bồi thường oan sai này lại là kẻ nhận hối lộ 70 triệu đồng từ hai nông dân nghèo là bị can trong một vụ đánh bạc!
Con đường tiếp cận chân lý, lấy lại công bằng vô cùng gian nan, vất vả, đầy áp lực và bị cản trở song hành lang pháp lý đã mở, thân phận pháp lý của công dân đã được coi trọng hơn.
Điều đó không những mang lại niềm tin vào công lý được thực thi mà còn mang lại sự công bằng xã hội!