Pho tượng “miệng cắn thân, chân xé mình” nằm trong cụm di tích chùa Bảo Tháp - Đền Thái sư Lê Văn Thịnh, được xây dựng vào thời Hậu Lê, tọa lạc ở sườn nam của núi Thiên Thai, thuộc xóm Chùa, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh).
Tin nên đọc
Giải mã biểu tượng văn hóa phần 1: Hình ảnh rùa đội bia có ý nghĩa gì?
Giải mã biểu tượng văn hóa phần 2: Hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa có ý nghĩa gì?
Giải mã biểu tượng văn hóa phần 3: Hình ảnh hai con rồng hướng về quả cầu lửa có ý nghĩ gì?
Giải mã biểu tượng văn hóa phần 4: Hình ảnh linh thú trên đầu đao ở mái chùa có ý nghĩa gì?
Pho tượng này được phát hiện vào năm 1991, đây là tác phẩm nghệ thuật hiếm thấy, với hình dáng kỳ dị bởi tượng rồng trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”.
Nguồn gốc của pho tượng này trong hồ sơ của tỉnh Bắc Ninh có ghi: “Tượng rồng được tìm thấy trong khuôn viên nơi từng là tư gia của thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ trạng nguyên khoa thi đầu tiên của nhà Lý năm 1075, nên nhiều người cho rằng tượng chính là nơi gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên mà thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) đời vua Lý Nhân Tông”.
Tượng rồng là khối sa thạch tạc thú lớn, có vảy rồng, nặng khoảng 3 tấn, cao 72cm, rộng 137cm, trong tư thế nằm cuộn khúc, đầu chầu phục, miệng ngoạm thân, như một loài “thuỷ quái”.
|
Pho tượng rồng kì lạ trong tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" ở Bắc Ninh. |
Đầu rồng lớn, không râu, không bờm, hơi gục xuống, đôi mắt lồi ra ngoài, trợn tròn, hai tai nổi lên hai bên đầu nhưng tai phải thì kín đặc còn tai trái lại trống rỗng, hai mang phình ra như dáng dấp của một con mãng xà lớn đang tột đỉnh giận giữ.
Thân rồng tựa trăn và rắn uốn mình thành hình tròn, miệng há rộng, những chiếc răng nanh dài nhọn hoắt cắm phập vào thân mình. Hai chân trước gân guốc, dang rộng, mỗi chân xòe ra 5 móng vuốt sắc nhọn bấu chặt lấy thân như đang cào xé chính mình. Pho tượng thể hiện một trạng thái sống động, đau đớn, quằn quại, bi thương, phẫn uất đến cùng cực.
Những luồng ý kiến khác nhau xoay quanh ý nghĩa của pho tượng kỳ lạ
Có ý kiến cho rằng, pho tượng biểu thị sự hối hận của vua Lý Nhân Tông. Tượng rồng có đôi tai, thì một bên lành, một bên bị bịt kín. Điều này biểu thị việc vua Lý nghe lời xiểm nịnh của gian thần.
Việc rồng tự cắn thân, xé mình thể hiện cho việc đau lòng khi gây ra nỗi oan trái của Lý Nhân Tông với người thầy của mình là Lê Văn Thịnh. Rồng tượng trưng cho vua, nên lý giải này không phải không có lý.
|
Pho tượng rồng cắn thân, chăn xé mình thể hiện sự xám hối của vua Lý Nhân Tông trong vụ án hồ Dâm Đàm. |
Luồng ý kiến khác cho rằng pho tượng chỉ là một lá bùa để cầu mưa thuận gió hòa, giống như tượng rồng đặt dưới giếng ở chùa Phật Tích mà thôi.
Nhưng phần lớn ý kiến vẫn tin rằng, pho tượng đặc biệt, vừa giống rồng, lại vừa giống rắn này là biểu thị cho nỗi oan trái của Thái sư Lê Văn Thịnh, bị triều đình ghép tội “hóa hổ giết vua”.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Phạm Xanh (Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cận hiện đại VN, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Theo tôi thông điệp của bức tượng này là sự xám hối của Vua Lý Nhân Tông trong vụ án hồ Dâm Đàm. Các nghệ nhân muốn gợi lại cho thế hệ mai sau về sự xám hối của một người đứng đầu xã tắc lúc bấy giờ là vua Lý Nhân Tông, về việc trù dập một người tài có thể nói là nằm trong bộ Nho học đầu tiên của lịch sử các khoa thi cử năm 1075”
Truyền thuyết án oan trên hồ Dâm Đàm
“Vụ án hồ Dâm Đàm” là một vụ án nổi tiếng trong lịch sử nước nhà, được chính sử ghi chép tỉ mỉ, chi tiết.
Chuyện rằng, Lê Văn Thịnh thông minh uyên bác, đỗ thủ khoa của khoa thi Minh kinh bác học thời Lý (1075), là khoa thi đầu tiên khi đó của nước nhà, cũng là khoa thi đầu tiên của Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long. Vì đỗ thủ khoa, nên ông được coi là vị “trạng nguyên” đầu tiên của Việt Nam, còn danh hiệu trạng nguyên thực sự thì đến đời Trần Thái Tông (1246) mới có.
“Trạng nguyên” Lê Văn Thịnh được mời vào dạy học cho vua, sau giữ chức Thị Lang Bộ Binh, rồi lên tới chức Thái sư, tột đỉnh vinh quang trong triều. Thế nhưng, vào đúng lúc đỉnh cao sự nghiệp, ông bị vu tội “hóa hổ giết vua”, vào năm 1096. Vì ông có tư tưởng đổi mới, liêm chính, nên bị lắm kẻ xiểm nịnh, tìm cách hãm hại, song cũng nhiều người ủng hộ, bảo vệ ông.
|
Vụ án hồ Dâm Đàm liên quan đến Thái sư Lê Văn Thịnh bị hàm oan trong suốt một thời gian dài. |
Truyền thuyết người dân trong làng kể rằng, trong buổi luận tội Lê Văn Thịnh, các quan thù ghét đều đưa ra quan điểm chặt đầu ông. Tội giết vua phải chu di cửu tộc, xưa nay vẫn thế. Một vị quan văn hỏi: “Tội giết vua thì chu di cửu tộc, nhưng tội giết thầy thì xử thế nào?”. Vua Lý Nhân Tông, là học trò của Lê Văn Thịnh, nghe thế thì miễn tội chết, cho đi đày ở Thao Giang, vùng đất thuộc Phú Thọ ngày nay.
Đại Việt sử ký toàn thư chép về vụ án “hóa hổ giết vua”, có đoạn như sau: “Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”.
Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý (vùng Vân Nam, Trung Quốc) có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”.
Đấy là chính sử chép thế, nhưng trong làng Bảo Tháp, các cụ xưa đã truyền khẩu một câu chuyện như sau: Thái sư Lê Văn Thịnh được cử sang Trung Quốc học tập, tiếp thu tinh hoa nước bạn. Ông được một thầy giỏi đào tạo. Khi về nước, thầy nhìn trò bảo: “Con là học trò xuất sắc nhưng khi về nước con sẽ gặp họa”.
Nói rồi, ông tặng trò Thịnh chiếc áo kỳ lạ để phòng thân. Mỗi khi mặc chiếc áo đó vào, trông ông dữ tợn như hổ, không ai dám bắt nạt, cướp nhìn thấy chạy xa. Chính vì ông có chiếc áo kỳ lạ đó, lại có nhiều kẻ nịnh thần trong triều oán ghét, nên mới bịa ra chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua, gây nên sự hàm oan lớn.
Thái sư Lê Văn Thịnh được giải oan bởi một pho tượng kì lạ
Dù chính sử ghi chép tội đồ của Thái sư Lê Văn Thịnh, nhưng người dân trong vùng vẫn nhất nhất tin ông vô tội. Ông đã bị sự ti tiện của đám gian tham hãm hại. Việc ai đó tạc một pho tượng thân rắn, nhưng tư thế và móng vuốt của rồng, tự cắn xé thân mình, rồi chôn xuống đất, nơi là nhà ông ở, rồi là đền thờ ông, đã thể hiện rõ niềm tin vô tội của ông.
|
Miếu Xà Thần nơi thờ pho tượng "miệng cắn thân xé mình". |
Không biết do vô tình hay ý trời, nhưng vào đúng cái thời điểm người dân vác đơn đi kiện cho nỗi oan khiên của ông Thành Hoàng Làng, thì pho tượng rồng kỳ lạ đã phát lộ sau 900 năm nằm dưới lòng đất.
Ngay thời điểm đó, Nhà nước đã mở các cuộc hội thảo ghi nhận công lao của Thái sư Lê Văn Thịnh, xóa bỏ hoàn toàn những xuyên tạc về ông trong lịch sử. Và cũng gần như ngay lập tức, đền thờ vị thái sư này được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Để tưởng nhớ công ơn của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, vào các ngày từ mồng 5-7/2 (âm lịch) hàng năm diễn ra lễ hội “Thập đình”, là lễ hội của 10 làng cùng tôn Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh làm Thành Hoàng Làng.
Ảnh: Sưu tầm
*Mời độc giả đón đọc Giải mã biểu tượng văn hóa phần 8 vào 8h00 thứ 2 ngày 4/7/2016 trên Pháp luật Plus.