Trước tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga… uy hiếp an toàn tính mạng người đi đường, có đề xuất cần phải tịch thu xe để xử lý 'quái xế'. Điều này có phù hợp?
Tình trạng các nhóm "quái xế" trong lứa tuổi thanh, thiếu niên chạy xe máy gây náo loạn đường phố đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội và gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến nhóm đối tượng này, nhưng tình trạng các "quái xế" vẫn lộng hành. Phải chăng hình phạt còn quá thấp? Nhiều người đề xuất nên tịch thu xe của nhóm đối tượng này?
|
Đề xuất cần thực hiện tịch thu xe của nhóm "quái xế". |
TS Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) hoàn toàn đồng tình với đề xuất tịch thu xe của các "quái xế" lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, nẹt pô…
Ông Tạo cho rằng: "Đây là con đường nhanh nhất giúp giải quyết tình trạng này.
Mức phạt bao nhiêu chưa cần biết, tuy nhiên khi chúng ta tịch thu xe sẽ không chỉ giáo dục cho các thanh thiếu niên mà còn cho cả phụ huynh, người thân…".
Được biết, việc tịch thu xe không phải là mới, hiện đang được triển khai và thực hiện theo nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 123/2021).
Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Hiện nay tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và tính chất nguy hiểm tăng cao.
Trên cơ sở đó, việc tịch thu xe của các trường hợp tụ tập lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, nẹt pô… là cần thiết nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
|
Cảnh sát vây bắt đối tượng "quái xế". |
Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều trường hợp lái xe lạng lách, đánh võnglại đứng tên người khác. Nhiều thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng xe của bố mẹ để thực hiện các hành vi mạo hiểm, gây mất an ninh trật tự.
Theo luật hiện hành, phải trả lại xe cho chủ sở hữu, chỉ tịch thu nếu xe đó của chính người có hành vi.
Bởi vậy, dù có quy định tịch thu xe đối với trường hợp lạng lách, đánh võng, song để thực hiện được việc tịch thu này cũng không dễ.
Do đó, đề xuất cần sửa quy định này theo hướng cứ lạng lách, đánh võng là tịch thu xe, không cần biết chủ xe là ai.
Khi biết rằng nếu vi phạm sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất phương tiện, người lái xe sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng xe, kể cả xe đi mượn…