Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có cuộc gặp gỡ, đối thoại cùng 4.500 công nhân lao động từ điểm cầu chính ở tỉnh Bắc Giang. Cuộc đối thoại được tổ chức sáng 12/6 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Giải quyết các nhu cầu chính đáng của công nhân
Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa công nhân và Thủ tướng diễn ra trong bầu không khí sôi động. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, giải thích, trả lời thấu đáo, thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm các câu hỏi của công nhân, người lao động trong cả nước. Nội dung tập trung 10 nhóm vấn đề như: Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7; chính sách về nhà ở, khám chữa bệnh, các phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân, người lao động bị mắc COVID-19...
Một trong những vấn đề được công nhân quan tâm là sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Ngoài phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Chính phủ cho biết, pháp luật về BHXH vừa qua có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về BHXH vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp.
Trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của Nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế. Đồng thời, chúng ta phải tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định, kể cả những quy định chưa phù hợp thì chúng ta tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung, mở rộng dần.
Hay đối với vấn đề nhà ở cho công nhân, theo Thủ tướng, đây là vấn đề chính đáng, cần phải giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng này của anh em công nhân, có an cư thì mới lạc nghiệp, quyền được có nhà ở. Đảng và Nhà nước luôn luôn trăn trở, chăm lo và chỉ đạo, xây dựng nhiều chủ trương. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản. Qua trao đổi, hiện vấn đề này đang vướng về pháp lý.
Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100. Vấn đề liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao bằng giải pháp nhanh nhất có thể, để giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt vừa bảo đảm lâu dài.
|
Thủ tướng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự cuộc gặp gỡ, đối thoại. |
Liên quan đến câu chuyện đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tâm niệm, phải nâng cao năng suất, chất lượng công ăn việc làm của mình, muốn như vậy phải có đào tạo nâng cao tay nghề. Để làm được, ngoài sự nỗ lực của công nhân phải có quản lý nhà nước, phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan; phải dành nguồn lực cho vấn đề này mới có thể làm được. Về phía Chính phủ, đã có chủ trương. Trong bố trí vốn đầu tư trung hạn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã bàn bạc với các bộ, ngành liên quan dành 2.000 tỷ cho đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân. Nếu còn có dư địa sẽ tiếp tục làm.
Đặc biệt, khi Thủ tướng thông báo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động,, các đại biểu công nhân đã dành tràng pháo tay kéo dài để hoan nghênh chính sách mới này của Chính phủ.
Tiếp tục phát huy tích cực hơn vai trò, trách nhiệm của công nhân
Phát biểu kết thúc cuộc gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động; ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc đối thoại này tiếp nối những công việc đã và đang thực hiện từ trước tới nay.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá: “Chúng ta đã có 1 buổi làm việc khẩn trương, hiệu quả với rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, thẳng thắn, cởi mở, sát thực, xây dựng của anh chị em công nhân, đại diện Công đoàn trong cả nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thông tin, trao đổi, giải đáp. Những vấn đề thảo luận rất trúng và đúng đối với vai trò, vị trí cũng như thực tiễn xây dựng và phát triển của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cũng là vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất quan tâm, trăn trở”.
|
Thủ tướng Chính phủ và một số đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+”. |
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Khi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại có nhiều chủ thể tham gia, trong đó có đội ngũ công nhân, người lao động. Do đó, Thủ tướng tin tưởng, công nhân, người lao động sẽ tiếp tục phát huy tích cực hơn vai trò, trách nhiệm của cá nhân để đất nước sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tiếp thu, lắng nghe, giải quyết từng vấn đề, có sản phẩm và kết quả cụ thể, thông báo tới công nhân lao động để công nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam làm tốt công tác đôn đốc, giám sát và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng giải quyết các nguyện vọng của công nhân…
Sau cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến và thực hiện nghi thức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+” do TLĐLĐ Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh người công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nhiều ước mơ, khát vọng, làm việc giỏi, có lối sống đẹp; đồng thời, thể hiện sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với công nhân, người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm nơi ở và tặng quà công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Thủ tướng đã tới thăm gia đình anh Sùng Mí Ná (sinh năm 2002, quê Hà Giang), đang làm việc tại Công ty TNHH In bao bì Sunny Việt Nam; thăm khu nhà ở xã hội dành cho công nhân do Công ty TNHH Fuji xây dựng tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên.
Nhân dịp này, Thủ tướng khảo sát dự án thi công cầu Như Nguyệt mở rộng, nối hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Tặng quà công nhân đang làm việc tại công trường, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thi công công trình bảo đảm tiến độ, kỹ thuật, chất lượng, an toàn, mỹ thuật; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh.