“Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju”, đó là lời tuyên bố hùng hồn của một fan nữ Việt khiến không ít người giật mình về việc thần tượng thái quá của giới trẻ hiện nay.
Tin nên đọc
Chàng trai Ngân Hàng khiến 4 HLV Thần tượng Bolero hạ bệ nhau
6 Nhóm nhạc thần tượng Việt làm “khuynh đảo” thế hệ 8x, 9x đời đầu
Ngỡ ngàng độ trẻ trung chênh lệch của các sao Việt cùng tuổi
Những bộ cánh “thảm họa” của sao Việt
Ngày nay, đa phần giới trẻ có thiên hướng chạy theo “trào lưu” thần tượng các nhân vật trong giới giải trí. Những người luôn được giới truyền thông phủ lên bằng những hình ảnh hào nhoáng, và cả những câu chuyện đời tư vô hồn. Những tên tuổi của các anh hùng, những vị lãnh tụ, danh nhân kiệt xuất… tài năng, đức độ vẹn toàn được lớp lớp các thanh niên ngưỡng mộ và hào hứng lấy làm tấm gương sáng để cùng học tập, noi theo dường như trở nên xa lạ với giới trẻ.
Những câu chuyện đau lòng từ việc “thần tượng” quá khích
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ về câu chuyện của một cô nhóc 13 tuổi bị chính cha đẻ của mình dùng dao đâm chết chỉ vì một câu nói khiến ông phẫn uất : “Thần tượng còn tốt hơn cả cha mẹ”. Do quá đam mê một nhóm nhạc nam Hàn Quốc, bỏ bê học hành mà cô bé đã phải trả một cái giá quá đắt bằng chính sinh mệnh của mình.
Hay như câu chuyện của một cậu nhóc 12 tuổi đã tự vẫn sau khi biết tin thần tượng của mình là ông hoàng nhạc pop Michael Jackson qua đời. Sự ra đi của cậu đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng trước sự hâm mộ thái quá của một trái tim đầy “non nớt”.
|
Hành vi thần tượng “thái quá” của một bộ phận giới trẻ cũng đang có xu hướng trở thành hội chứng, trào lưu quá khích, thu hút nhiều bạn trẻ thích a dua hưởng ứng. |
Còn ở Việt Nam, dẫu chuyện không đến mức bi thảm như ở nước ngoài, nhưng những hành vi thần tượng “thái quá” của một bộ phận giới trẻ cũng đang có xu hướng trở thành hội chứng, trào lưu quá khích, thu hút nhiều bạn trẻ thích a dua hưởng ứng.
Những ai yêu thích nghệ sỹ Hàn Quốc, có lẽ vẫn chưa quên được sự kiện chàng ca sỹ - diễn viên nổi tiếng Bi Rain đến nước ta biểu diễn trong chuyến giao lưu văn hóa 2 nước Việt - Hàn. Và sau khi kết thúc buổi buổi diễn rời khỏi sân khấu, hàng loạt các fan hâm mộ ra hôn ghế ngồi của anh như một sự tôn sung đầy tự hào.
Và đỉnh điểm khi một fan nữ đã từng tuyên bố với mọi người rằng : “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju (Một nhóm nhạc nam Hàn Quốc, gồm 13 thành viên nổi tiếng cách đây vài năm trước)… đã dấy lên hồi chuông báo động trong vấn đề ứng xử của giới trẻ trước cơn bão thần tượng ngoại lai đang ngày càng tấn công mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.
Mải miết với những thông tin về “người trong mộng” của mình mà nhiều bạn trẻ ngày nay tỏ thái độ thờ ơ với những sự kiện mang tính thời sự trong nước và quốc tế đang được tất cả mọi người quan tâm.
Nói về vụ MH 370 bị mất tích, sự kiện được toàn thế giới hướng đến trong tâm thái bàng hoàng, thương cảm, thì một bạn trẻ được cho là fan Kpop đã bình luận thờ ơ đến đáng trách: “Chỉ có mỗi cái máy bay rơi thôi mà cũng làm rần rần, chừng nào đó là máy bay của SNSD (nhóm nhạc nữ Hàn Quốc) tôi mới quan tâm, lo lắng”.
Phải chăng giới trẻ Việt nay chỉ cố học cho giỏi, nắm bắt và thụ hưởng các trào lưu văn hóa ngoại mà thờ ơ đối với những sự kiện nóng của thế giới ngoài kia?.
Khi được hỏi về ý kiến của chính các bạn trẻ về việc cuồng thần tượng của một bộ phận giới trẻ, bạn Giang (21 tuổi, sinh viên ĐH Ngoại Thương, HN) chia sẻ với PV Pháp luật Plus: “ Thần tượng ai là chuyện của cá nhân mỗi người, nhưng chỉ nên dừng lại ở mức độ cảm phục, cảm mến thôi chứ như các bạn trẻ hiện nay tôn các sao như thần thánh là hơi thái quá. Mình cũng thích các ca sỹ, nhóm nhạc nhưng không đến mức cuồng nhiệt như vậy, bởi còn nhiều thứ đáng để quan tâm hơn, như gia đình chẳng hạn”.
Còn bạn Hoàng Hải (23 tuổi, Hàng Nón) cho rằng: “Hâm mộ thần tượng không phải là một cái tội, nhưng cần hâm mộ một cách tỉnh táo chứ không phải đến mức độ thái độ hỗn với cả bố mẹ mình chỉ vì bị phản đối không cho tiền mua vé đi xem…”.
Các chuyên gia nói gì về vấn đề này?
"Cuồng" thần tương trong bộ phận giới trẻ là vấn đề xưa nay được đưa ra bàn luận khá nhiều. TS Vũ Thu Hương (Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) đã từng chia sẻ về vấn đề này như sau:
“Tôi cảm thấy rất thương cho giới trẻ. Thực ra, hiện tượng yêu ca sĩ hoặc diễn viên đến mức thiếu kiềm chế cho thấy các bạn mù quáng. Nếu như các bạn ấy có nhiều môn nghệ thuật là sở thích, nhiều hiểu biết về cuộc sống, nhiều việc để làm và cống hiến thì việc đó sẽ không xảy ra.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh đã quá quan tâm đến việc học hành cũng như các thành tích của giới trẻ mà quên đi thế giới tinh thần cũng như đạo đức của các em cần phải được quan tâm và trau dồi. Nếu như các phụ huynh quan tâm và cho con tham gia mọi hoạt động từ nhỏ, tìm hiểu mọi loại hình nghệ thuật, tìm hiểu và chơi thể thao thật đầy đủ thì khóc hay ngất xỉu khi gặp thần tượng chắc chắn sẽ không xảy ra”.
|
fan-cuong-2 |
Còn theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt - Vũng Tàu, thì cho rằng hiện tượng cuồng thần tượng hiện nay khá phổ biến ở giới trẻ Việt Nam, có nguyên do từ cả hai phía: Trẻ và bố mẹ.
Thường tình trạng này hay xuất hiện ở những trẻ thiếu tự tin, dễ bị cuốn hút bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài, cũng như người thiếu tự chủ thì dễ tin quảng cáo. Tuy nhiên, phụ huynh mới là yếu tố chính khiến con trở nên mê muội thần tượng. Bố mẹ quá nuông chiều nhưng lại ít dành thời gian tìm hiểu, quan tâm đến con, đồng thời không đủ làm thần tượng của con, không khiến con cảm thấy tin tưởng và có thể chia sẻ.
Trong khi đó, các ngôi sao âm nhạc, điện ảnh thường được đánh bóng hình ảnh, xuất hiện với vẻ đẹp hào nhoáng, cuốn hút... khiến trẻ yêu thích, rồi say mê. Khi đó, nếu bị người lớn chê trách, phê phán, trẻ cảm tính, chưa điều khiển được cảm xúc, dễ có những câu nói, hành động chống đối... Và nếu bố mẹ không biết cách ứng xử, thì khoảng cách giữa họ với con cái sẽ ngày càng xa hơn.
Tạm kết
“Hãy nói cho tôi biết thần tượng của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào!”, câu nói đó cho thấy mức độ quan trọng của việc lựa chọn thần tượng, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến việc định hướng tính cách của mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ.
Các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội cần có những quan tâm đúng mực với đời sống tinh thần của con cái, không nên đứng ngoài cuộc quy kết, để rồi xảy ra những hệ lụy đáng tiếc không lường trước được.
Ảnh: internet