Mới đây, Quốc vương Thái Lan đã phê chuẩn Luật Hôn nhân mới của nước ngày. Vậy người Việt Nam có thể sang Thái Lan để kết hôn đồng giới được không?
Thái Lan thông qua Luật công nhận Hôn nhân đồng giới?
Theo Công báo của Hoàng gia Thái Lan, ngày 24/9/2024, Quốc vương Vajiralongkorn đã phê chuẩn Luật hôn nhân mới, tại đây đã thừa nhận hôn nhân đồng giới.
Cụ thể, Đạo luật nêu trên được Quốc hội Thái Lan thông qua vào tháng 6/2024, dự kiến có hiệu lực 120 ngày sau khi Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn phê chuẩn, tức 01/2025.
|
Thái Lan thông qua Luật công nhận Hôn nhân đồng giới |
Theo đó, Quyết định trên đã đưa Thái Lan trở thành quốc gia Châu Á thứ hai thừa nhận hôn nhân đồng giới sau Nepal. Cụ thể, Luật hôn nhân mới của Thái Lan sử dụng các thuật ngữ trung lập về giới tính thay cho “nam, nữ, chồng, vợ”. Đồng thời, cũng cấp quyền nhận con nuôi và thừa kế cho các cặp đồng giới.
Người Việt sang Thái kết hôn đồng giới được không?
Căn cứ Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài như sau:
- Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.
- Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.
Như vậy, việc kết hôn đồng giới ở một số nước đã công nhận và các cá nhân vẫn có thể đăng ký kết hôn tại các quốc gia đã công nhận việc này.
Pháp luật Việt Nam có công nhận quyết định kết hôn đồng giới của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không?
Căn cứ khoản 8 Điều 439 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như sau:
“Những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam
8. Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
|
Hôn nhân đồng giới ở Việt Nam chưa được công nhận |
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, trường hợp bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì bản án, quyết định này sẽ không được công nhận.
Theo đó, quyết định kết hôn thuộc đối tượng được xem xét công nhận tại Việt Nam nhưng đối với trường hợp là kết hôn đồng giới thì sẽ không được pháp luật Việt Nam công nhận.
Người chuyển đổi giới tính có được kết hôn tại Việt Nam không?
HIện nay, pháp luật Việt Nam không công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người đồng giới. Đồng thời, một trong những điều kiện kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là được thực hiện bởi 1 người nam và 1 người nữ.
Theo đó, để được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân, việc kết hôn phải được thực hiện giữa hai người nam và nữ đồng thời phải đáp ứng các điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 37 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định người đã thực hiện chuyển đổi giới tính có các quyền sau đây:
“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể nào được ban hành để hướng dẫn thực hiện quy định nêu trên của Bộ Luật Dân sự 2015 về quyền chuyển đổi giới tính. Theo đó, hiện Luật Chuyển đổi giới tính vẫn chưa được ban hành nên việc chuyển đổi giới tính vẫn chưa có căn cứ thực hiện và được thừa nhận.