Tại Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, cơ quan soạn thảo đã đề xuất quy định người không có năng lực hành vi dân sự không được chuyển đổi giới tính.
Theo Khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận giới tính mới theo quy định tại Dự thảo Luật.
|
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, Điều 10 Dự thảo Luật cũng quy định rõ các điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Cụ thể, độ tuổi thực hiện can thiệp y học là người từ đủ 18 tuổi trở lên đối với các phương pháp can thiệp y học quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Dự thảo Luật;
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức thì được thực hiện phương pháp can thiệp y học quy định tại khoản 1 Điều 9 của Dự thảo Luật và khi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; Đã được tư vấn pháp lý theo quy định; Có năng lực hành vi dân sự.
Về tình trạng hôn nhân, hiện có 2 phương án được đề xuất để lựa chọn gồm: Độc thân hoặc không quy định tình trạng hôn nhân của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Không thuộc trường hợp đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt hình sự bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú và chưa được xóa án tích.
Như vậy, theo quy định trên, một trong những điều kiện để chuyển đổi giới tính bằng can thiệp y học phải có năng lực hành vi dân sự. Điều đó có nghĩa người không có năng lực hành vi dân sự (người dưới 16 tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự như mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi) không được chuyển đổi giới tính.
Đề xuất này là động thái đảm bảo tính pháp lý của những người chuyển giới. Giúp họ được bảo vệ bằng sự công bằng pháp luật, vừa đảm bảo sức khỏe, tính mạng của những người chuyển giới.