Tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân nếu muốn bán đi thì có cần sự đồng ý của cả hai vợ chồng hay không, đang là câu hỏi nhiều bạn đọc cần giải đáp.
Bạn đọc Hoàng Anh (Cà Mau) hỏi: Sau khi kết hôn, vợ tôi có mua một mảnh đất, nguồn tiền là do vợ tôi tích luỹ trước hôn nhân. Nay vợ tôi muốn bán đi để sử dụng với mục đích cá nhân của cô ấy nhưng tôi không đồng ý. Vậy cô ấy có được toàn quyền quyết định trong trường hợp này không?
Khi vợ chồng đăng ký kết hôn, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung vợ chồng, điều này có nghĩa rằng mọi quyết định liên quan đến tài sản chung này đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
|
Tài sản có trong thời kỳ hôn nhân có đương nhiên là tài sản chung? (Hình minh hoạ) |
Nguyên tắc khi giải quyết tài sản chung vợ chồng được nêu tại khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.” Do đó, về việc bán đất của một trong hai người được xem xét trong các trường hợp cụ thể.
Trường hợp tài sản đem bán là tài sản chung vợ chồng:
Do đây là tài sản chung vợ chồng nên quyền định đoạt sẽ do cả hai người cùng thoả thuận (khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình). Nếu không có thoả thuận thì tài sản chung sẽ phải thực hiện theo nguyên tắc là cả hai vợ chồng cùng quyết định và định đoạt.
Bởi vậy, khi bán đất phải có mặt cả hai vợ chồng cùng ký vào hợp đồng mua bán trừ trường hợp một trong hai bên không thể trực tiếp ký thì có thể uỷ quyền cho người còn lại hoặc người khác. Tuy nhiên, một trong hai bên không thể tự ý bán đất mà không có sự đồng ý của người còn lại.
Kể cả trong trường hợp sổ đỏ chỉ đứng tên một trong hai vợ chồng nhưng khi được xác định là tài sản chung được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân thì đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Trường hợp nhà, đất là tài sản riêng của vợ chồng
Bên cạnh tài sản chung, vợ hoặc chồng đều có quyền có tài sản riêng. Đây có thể là tài sản có trước hôn nhân hoặc được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nhưng được thoả thuận là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Ví dụ: tài sản vợ hoặc chồng được tặng cho, thừa kế riêng.
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình, với tài sản riêng của mình, vợ hoặc chồng có toàn quyền định đoạt và quyết định nhập hay không nhập vào tài sản chung.
Trở lại tình huống bạn đọc hỏi, nếu mảnh đất được hình thành từ nguồn tài sản riêng của người vợ (đất được tặng cho, thừa kế riêng hoặc được mua từ nguồn tiền/ tài sản tặng cho, thừa kế riêng) thì khi bán không cần sự đồng ý của người chồng.
Như vậy, trong tình huống này cần xác định xem mảnh đất trên là tài sản chung hay là tài sản riêng của hai vợ chồng. Nếu là tài sản chung vợ chồng thì người chồng không được tự ý bán đất mà không được vợ mình đồng ý. Chỉ khi đất là tài sản riêng của người chồng hoặc là tài sản chung của người vợ thì người này mới được bán mà không cần ý kiến của người còn lại.