Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày này gây sốt bởi di tích rêu phong được thay bằng màu xám trắng mới tinh. Mặc lời trấn an của những người có trách nhiệm, công chúng vẫn có quyền đặt câu hỏi.
|
Văn Miếu-Quốc Tử Giám mới quét vôi, tu bổ nhỏ. Ảnh: N.Châu. |
Không quét vôi thì hỏng?
Thoạt nhìn hình ảnh các hạng mục mới được chỉnh trang, nhiều người có thể sốc, ngỡ Văn Miếu lại bị băm nát vì trùng tu. TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định đó chỉ là quét vôi, không hề sơn lại. Các hạng mục như tường bao, ngách cổng, cổng Đại trung, nhà đình bia, giếng Thiên Quang không còn lớp rêu phong cũ, được trám hóa bề mặt và quét vôi. Một số cấu kiện gỗ, sơn son thếp bạc ở Bái đường, hậu cung khu Văn Miếu cũng được vệ sinh sạch sẽ.
“Nhiều hạng mục bị nấm mốc, bẩn thỉu, chẳng hạn nhà Bái Đường gần hai chục năm nay chưa vệ sinh cấu kiện. Sau khi du khách phàn nàn, chúng tôi mời đơn vị khảo sát kết cấu gạch, họ tư vấn cần vệ sinh, quét vôi trang trí, trám lại tường bị rêu bao phủ để tránh xuống cấp”, ông Kiêu nói. Ông giải thích thêm, đơn vị thực hiện dùng vôi truyền thống và than bùn, cách làm truyền thống, kể cả đền Ngọc Sơn hàng năm cũng được quét vôi theo cách này.
“Việc trùng tu theo hướng quét sơn lại bằng vật liệu hữu cơ như vôi, than bùn là đúng, tôi ủng hộ. Thực ra màu rêu phong không có chức năng bảo vệ, nó chỉ phá hủy công trình mà thôi”, KTS Lại Thành Tín nói. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng cho rằng việc quét vôi các bức tường ngăn, tường rào trước đây có xây gạch và trát vữa được thực hiện một cách khoa học.
Khoa học nhưng vẫn ồn ào
Có người đặt câu hỏi trong quá trình trát lại vữa, quét vôi này, những người thực hiện có để ý hoa văn hay lại cẩn thận làm sạch quá. Đem thắc mắc này hỏi ông Lê Xuân Kiêu, ông khẳng định hoa văn không hề bị mất đi, thậm chí những hoa văn cũ được làm rõ nét hơn nữa. Ông cho biết Trung tâm làm văn bản trình Sở VHTT Hà Nội, báo cáo UBND thành phố Hà Nội, được đồng ý mới thực hiện. Kinh phí cũng không phải ngân sách nhà nước mà trích từ tiền bán vé, và kinh phí tu bổ nhỏ không đáng kể. Đơn vị thực hiện là Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích, thuộc Viện Bảo tồn Di tích.
“Có thể người dân chưa đủ chuyên môn, hiểu biết nên thoạt nhìn màu vôi thấy sợ, lo di tích bị hỏng. Một thời gian nữa nó sẽ xuống màu, trả lại sự cổ kính”, KTS Lại Thành Tín nói. Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng sự ồn ào vừa qua đều do quan điểm, thị hiếu mà ra. “Kinh nghiệm ở Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy các di tích năm trăm đến nghìn năm đều được bảo tồn, phát huy tôn tạo, thậm chí sơn mới cho nguy nga, tráng lệ. Ở Việt Nam, mọi người cứ nghĩ di tích phải cổ, cũ kỹ, nâu sòng, mộc mạc nhưng phải nghĩ lúc mới xuất hiện nó cũng sặc sỡ, lộng lẫy chứ”, ông nói.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhiều hạng mục được xây dựng lại từ thế kỷ 20, gần nhất là các nhà đình để bảo vệ văn bia xây dựng năm 1994. TS Kiêu trần tình, đơn vị tư vấn cũng cảnh báo nhiều hạng mục xuống cấp, như tứ trụ cổng chính, Khuê Văn Các, nhà Bái đường. “Tuy nhiên do tính chất phức tạp riêng nên chỉ vệ sinh, không quét vôi. Để tu bổ các hạng mục này cần dự án riêng”, TS Kiêu nói. PGS.TS Đặng Văn Bài còn cho rằng đơn vị thực hiện cẩn thận quá, đáng lẽ cần trát lại chỗ bong tróc ở cổng chính Văn Miếu, quét vôi bảo dưỡng hoàn chỉnh giống các bức tường ngăn. Các chuyên gia cũng nhắc lại sự việc ồn ào khi tu bổ Ô Quan Chưởng: Ban đầu người dân thắc mắc vì Viện Bảo tồn Di tích đắp xi măng, diệt cây dại, nấm mốc xâm nhập di tích. Tuy nhiên đến nay di tích này được gia cố vững chắc, nhuốm màu thời gian sau ít năm mưa nắng.
Sắp tới Văn Miếu-Quốc Tử Giám có thể nhiều thay đổi sau khi thành phố duyệt quy hoạch tổng thể, được sự đồng thuận của Bộ VHTTDL, Thủ tướng. Lãnh đạo Trung tâm nêu một số đề xuất sắp tới: Thay thùng rác gỗ, chuyển hai phòng bán vé sang bên cạnh, phân luồng khách, chỉnh trang cổng Hồ Giám thành con đường thẳng với cổng chính khu nội tự.