Ngày 5/4, UBND TP.Hải Phòng phối hợp cùng Tập đoàn Hateco tổ chức lễ khánh thành Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) tại khu bến cảng Lạch Huyện.
Đây là một trong những dự án hạ tầng cảng biển nước sâu tại Việt Nam được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân.
Tham dự lễ khánh thành có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào, ông Nicolai Prytz và đại sứ quán Hà Lan.
 |
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng. Ảnh: VGP |
Các đại biểu đánh giá cao sự phát triển ấn tượng của dự án cảng nước sâu HHIT cùng mối quan hệ hợp tác thành công giữa Maersk và Hateco, góp phần mạnh mẽ vào việc tăng cường mối quan hệ thương mại và văn hóa giữa châu Âu và Việt Nam.
Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng có tổng diện tích 73 ha, cầu bến dài 900 m, độ sâu trước bến từ -16,8 m đến - 18,4 m.
Cảng có khả năng tiếp nhận cùng lúc 2 tàu container cỡ lớn lên tới 200.000 DWT (≥ 18.000 TEU), chiều dài tàu tối đa 400 m.
Sự ra đời của cảng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực hàng hải, góp phần thúc đẩy giao thương quốc tế và tạo động lực phát triển kinh tế cho miền Bắc cũng như cả nước.
Với 2 bến số 5, số 6 được đầu tư với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng sẽ là cảng thông minh đầu tiên tại Việt Nam với cổng ra, vào tự động, cầu tàu bán tự động, có thể đón những tàu lớn nhất thế giới và đi trực tiếp từ những nơi xa nhất như bờ tây, bờ đông nước Mỹ.
Về công nghệ, cảng được trang bị 10 cẩu bờ STS, 36 cẩu e-RTG chạy điện, 1.350 ổ cắm container lạnh, đảm bảo tốc độ và hiệu quả bốc xếp, đồng thời tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Cảng còn áp dụng hệ thống vận hành thông minh: phần mềm TOS đồng bộ quản lý mọi hoạt động; trung tâm vận hành (OC) giám sát thời gian thực; tích hợp công nghệ nhận diện QR, OCR và cảnh báo an ninh thông minh.
Đây là cảng đầu tiên tại Việt Nam triển khai hệ thống đặt lịch hẹn xe container TAS (Truck Appointment System), giúp tài xế chủ động hơn, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả vận hành.
 |
Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng có tổng diện tích 73 ha. Ảnh: VGP |
Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch đánh giá, dự án có đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam, ưu tiên tập trung vào tính bền vững, thông qua các công nghệ xanh hiện đại, hệ thống tự động hóa và cam kết ưu tiên tính bền vững của môi trường, giảm phát thải, đồng thời củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược xanh và thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam.
Điều này phù hợp với quan hệ song phương của hai quốc gia, cam kết thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng đầu tư tư nhân.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng luôn có mức tăng cao, từ 12 - 15%/năm, năm 2024 đạt 190 triệu tấn và dự kiến trong năm 2025 là 212 triệu tấn.
Khu bến Lạch Huyện được quy hoạch có chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách quốc tế, bến công vụ; có khả năng đón nhận cỡ tàu container đến 18.000 Teu; tàu tổng hợp, hàng rời đến 100.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT.
"Dự án bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) do Tập đoàn Hateco đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 299/2021, trở thành dự án phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu đầu tiên tại Việt Nam từ nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân.
Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực miền Bắc và cả nước", Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết.
Tại buổi lễ, Tập đoàn Hateco đã ký kết biên bản ghi nhớ với APM Terminals - thành viên Tập đoàn A.P.Moller-Maersk để thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực cảng và logistics của Việt Nam. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong 2 lĩnh vực chính gồm phát triển và khai thác cảng và lĩnh vực hoạt động logistics.
Hai bên cùng nỗ lực chung trong các dự án cơ sở hạ tầng cảng, gồm đầu tư, thiết kế và hiệu quả hoạt động để nâng cao năng lực cảng của Việt Nam.
Đồng thời, liên kết chặt chẽ với hoạt động cảng nhằm tăng cường kết nối giữa các cảng, trung tâm logistics và vận tải nội địa để tạo ra các giải pháp chuỗi cung ứng liền mạch và khai thác sức mạnh tổng hợp từ các hoạt động cảng hiện có.