Tấm "hộ chiếu pháp lý" cho doanh nghiệp vươn biển lớn
Để khởi nghiệp vươn ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp không chỉ cần sản phẩm cạnh tranh mà còn phải có hành lang pháp lý rõ ràng và chiến lược hội nhập chủ động. Đây là thông điệp cốt lõi của hai Nghị quyết 59 và 66 của Bộ Chính trị xác định hội nhập quốc tế là nhiệm vụ chiến lược, cần thể chế đồng bộ để doanh nghiệp phát triển bền vững trong môi trường toàn cầu.
Sau gần hai thập kỷ kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Tuy nhiên, cơ hội chưa được khai thác tương xứng vì phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn thiếu “hành trang pháp lý” cần thiết như chưa có báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, thiếu bảo hộ sở hữu trí tuệ, hợp đồng chưa chuẩn hóa, chưa tuân thủ quy định dữ liệu xuyên biên giới.
 |
Muốn khởi nghiệp vươn tầm quốc tế, doanh nghiệp không chỉ cần sản phẩm tốt mà phải có hành lang pháp lý vững chắc và chiến lược hội nhập chủ động |
Theo ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT GC Food (Đồng Nai), nhiều startup Việt dù có sản phẩm tiềm năng nhưng vẫn bị loại khỏi cuộc chơi gọi vốn quốc tế vì thiếu nền tảng pháp lý cơ bản. Việc không có báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hay thiếu hợp đồng mẫu đạt chuẩn là những rào cản phổ biến.
Ông Thứ cho rằng, để không đánh mất cơ hội tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài, startup cần được hỗ trợ chuẩn hóa hồ sơ pháp lý ngay từ đầu, đồng thời thể chế phải đi trước một bước để tạo hành lang pháp lý phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Báo cáo của VCCI cho thấy, hơn 63% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn khi tiếp cận chuẩn mực quốc tế, chủ yếu do thiếu hiểu biết pháp lý và không có cơ chế hỗ trợ cụ thể. Các rào cản phổ biến gồm: thiếu luật hóa tài sản trí tuệ phi vật thể, chưa có mẫu hợp đồng quốc tế phù hợp, công nghệ mới như blockchain, hợp đồng thông minh chưa được công nhận, và cơ chế sandbox còn giới hạn.
Tại TP HCM, mô hình thử nghiệm chính sách (sandbox) theo Nghị quyết 98 đang được triển khai trong lĩnh vực y tế, quản trị đô thị và công nghệ số. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ cho rằng điều cần thiết hơn là khung pháp lý ổn định để rút ngắn thời gian thương mại hóa sản phẩm và mở rộng thị trường quốc tế.
Theo TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), muốn doanh nghiệp hội nhập, pháp luật phải đi trước một bước. Việc ban hành Luật Đổi mới sáng tạo và nâng cao tính thực thi của Luật Doanh nghiệp là nền tảng cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các hướng dẫn “hậu FTA” từ tiêu chuẩn kỹ thuật, biểu thuế, đến mẫu hợp đồng và quy định bảo hộ dữ liệu để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai cam kết quốc tế một cách cụ thể, hiệu quả.
Một điểm sáng là việc hình thành nền tảng đào tạo pháp lý dành riêng cho doanh nghiệp, với các khóa huấn luyện về luật thương mại quốc tế, bảo hộ tài sản trí tuệ xuyên biên giới và quy định trong thương mại điện tử. Đây là mảnh ghép còn thiếu giúp doanh nghiệp không chỉ phòng tránh rủi ro mà còn chủ động đàm phán trên sân chơi toàn cầu.
Việt Nam cũng đang đàm phán các hiệp định mới như DEPA (Hiệp định kinh tế số) và nâng cấp UKVFTA. Điều này đặt ra yêu cầu thể chế trong nước phải cập nhật nhanh, tương thích cao, tránh để doanh nghiệp bị lỡ nhịp hội nhập vì độ trễ chính sách.
Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, thể chế chính là “bản đồ hội nhập” một hệ thống pháp luật minh bạch, có khả năng phản ứng nhanh và hỗ trợ cụ thể. Khi pháp luật là nền tảng bảo vệ và thúc đẩy, chứ không còn là lực cản vô hình, khởi nghiệp Việt Nam mới có thể vươn xa và trụ vững trong nền kinh tế số toàn cầu.
Tháo gỡ rào cản nội tại trong hệ thống pháp luật
Đánh giá về Nghị quyết 66-NQ/TW, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng: Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ chính là yếu tố then chốt để chuyển hoá tinh thần Nghị quyết thành hành động cụ thể, tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế.
Đây được xem là một bước chuyển quan trọng về tư duy pháp lý, tác động trực tiếp đến hoạt động lập pháp và cải cách hành chính. Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 68, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình", nhấn mạnh vai trò trung tâm của công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới.
 |
Nghị quyết 59 và Nghị quyết 66 tạo thành “đôi cánh thể chế” giúp doanh nghiệp vươn ra thế giới |
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, tinh thần Nghị quyết 66 đã thể hiện rõ trong hoạt động lập pháp với quy mô lớn chưa từng có, xem xét 34 dự thảo luật, cho ý kiến 14 dự luật khác. Theo Ông Trịnh Xuân An, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong chuyển hóa Nghị quyết 66 thành động lực pháp lý cụ thể.
Đồng thời, ông An nhấn mạnh cần quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 66 trong quy trình xây dựng và thảo luận về luật. Việc nhận diện các "điểm nghẽn" thể chế cần dựa trên dữ liệu cụ thể, đồng bộ từ cơ quan làm luật đến cơ quan thực thi. Việc hình thành cơ sở dữ liệu về những rào cản thể chế sẽ giúp đồng bộ các bước cải cách.
Trong bối cảnh mô hình kinh doanh thay đổi từng ngày dưới tác động của chuyển đổi số và công nghệ, Nghị quyết 66-NQ/TW, ban hành ngày 3/11/2023, được xem là luồng sinh khí mới trong quá trình hoàn thiện thể chế. Đây không chỉ là bước cải cách, mà là một cuộc cách mạng thể chế, nhằm gỡ bỏ những "nút thắt vô hình" đang cản trở sức bật đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.
Nghị quyết đề ra bốn định hướng cải cách, có tính hệ thống, bao gồm: Đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, xử lý các điểm chồng lấn giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Khoa học & Công nghệ, Luật Môi trường, để hình thành một ngôn ngữ pháp lý thống nhất; Đẩy mạnh hậu kiểm, giảm hình sự hoá hành vi vi phạm kinh tế, chuyển từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm thông minh, giúp doanh nghiệp vận hành an toàn, linh hoạt hơn; Luật hoá các mô hình kinh doanh mới như hợp đồng thông minh, tài sản số, sandbox công nghệ, đây là lần đầu các khái niệm này được chính thức đưa vào định hướng thể chế của Đảng; Tăng cường phản biện xã hội, mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội trong xây dựng pháp luật để chính sách xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
Nghị quyết 66 không chỉ dừng lại ở sửa luật, mà còn yêu cầu thay đổi phương thức tổ chức thực thi pháp luật. Bởi thể chế nằm ở hành vi ứng xử giữa chính quyền và doanh nghiệp, không chỉ trên văn bản.
Một điểm nhấn của Nghị quyết là định hướng phát triển hành lang pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các công nghệ mới. Đây là cơ chế mở, cho phép doanh nghiệp được "thử - sai - học" trong môi trường có kiểm soát nhưng không ràng buộc cứng nhắc.
Bộ KH&CN cùng NIC đang triển khai sandbox cho AI, blockchain, năng lượng tái tạo. Bộ KH&ĐT cũng thúc đẩy sửa Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tích hợp ưu đãi thuế, bảo hộ sở hữu trí tuệ và tài trợ mạo hiểm. Mô hình “bác sĩ pháp lý” tư vấn kịp thời cho doanh nghiệp cũng được thí điểm, thể hiện chuyển động từ hành vi thể chế.
Để hiện thực hoá Nghị quyết 66, cần cụ thể hoá bằng chính sách pháp luật đồng bộ, trong đó gồm: Luật Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (ưu đãi thuế, cơ chế gọi vốn, bảo hộ sở hữu trí tuệ); Luật hoá tài sản trí tuệ, tài sản số thành tài sản thế chấp hợp pháp để tiếp cận tín dụng; Mở rộng sandbox sang y tế, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục số; Thành lập Ủy ban pháp lý hội nhập, rà soát pháp luật theo chuẩn FTA, thương mại số; Đẩy mạnh đào tạo pháp lý chuyên sâu cho doanh nghiệp (đàm phán hợp đồng quốc tế, sở hữu trí tuệ xuyên biên giới).
Nếu Nghị quyết 59 mở rộng cánh cửa hội nhập quốc tế, thì Nghị quyết 66 đóng vai trò tháo gỡ những rào cản nội tại trong hệ thống pháp luật. Cùng nhau, hai nghị quyết tạo thành “đôi cánh thể chế”: một bên giúp doanh nghiệp tự tin vươn ra toàn cầu, bên còn lại dọn sạch hành lang pháp lý trong nước, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Ông Trịnh Xuân An cho rằng, con người là yếu tố tiên quyết trong cải cách thể chế. Quốc hội đã ban hành chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nhân lực pháp lý chất lượng cao. Cùng với đó, đầu tư vào công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật là cần thiết để giảm chồng chéo, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả. Quyết tâm chính trị đã rõ ràng, khối lượng công việc đã cụ thể. Nếu không hành động kịp thời, chúng ta sẽ tụt lại so với yêu cầu của thực tiễn.
(Còn tiếp)