CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với quý II/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Theo số Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga – U-crai-na và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ.
Kinh tế thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm, triển vọng phát triển trong ngắn hạn và trung hạn còn nhiều thách thức, lãi suất ngân hàng của các nước vẫn ở mức khá cao.
Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số quốc gia và khu vực.
Lạm phát toàn cầu đang có biểu hiện đi ngang sau một thời gian giảm nhanh nhưng trước bức tranh kinh tế khó đoán định khiến xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn vẫn chưa rõ rệt...
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế...
So với tháng 12/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với quý II/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
|
Sáu tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ. (Ảnh: Châu Anh). |
Cụ thể, CPI tháng 6/2024, so với tháng trước, CPI tháng 6/2024 tăng 0,17% (khu vực thành thị tăng 0,1%; khu vực nông thôn tăng 0,24%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 08 nhóm tăng giá so với tháng trước và 03 nhóm giảm giá.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 6/2024 tăng 0,75% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm, trong đó nhóm thực phẩm tăng 1,07% chủ yếu do giá thịt lợn tăng 3,78% khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,94%, giá trứng tươi các loại tăng 2,16%, giá thịt gà tăng 0,52%, giá thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,86%, giá quả tươi, chế biến tăng 0,66%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26% do thời tiết nắng nóng và đang trong mùa du lịch hè nên nhu cầu tiêu dùng tăng; nhóm lương thực tăng 0,05%, trong đó giá gạo tăng 0,03%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,68% trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 2,84%, nhà khách, khách sạn tăng 0,19% do tháng Sáu là tháng học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch của các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình tăng cao.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,6%, chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,35% chủ yếu do thời tiết nắng nóng dẫn đến nhu cầu sử dụng của người dân tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 0,67% và nước sinh hoạt tăng 2,38% giá thuê nhà tăng 0,35% do nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,13%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%.
Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông tháng 6/2024 giảm 2,27% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung 0,22 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng làm cho giá xăng trong nước giảm 5,86%, giá dầu diezen giảm 0,95%; nhóm phương tiện đi lại giảm 0,17% do các hãng xe áp dụng các chương trình khuyến mãi các dòng xe đời cũ.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,11% do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình giảm giá kích cầu mua sắm trong dịp hè. Nhóm giáo dục giảm 0,01% so với tháng trước, trong đó giá sách giáo khoa giảm 0,42%.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2024 tăng 4,34%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,18% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 6/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước như sau: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,04%, tác động làm CPI chung tăng 0,43 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh. Nhóm giáo dục tăng 8,01% làm CPI chung tăng 0,49 điểm phần trăm do trong năm học 2023-2024 một số địa phương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,6%, tác động làm CPI chung tăng 1,05 điểm phần trăm do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá nhà ở thuê tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,66% làm CPI chung tăng 1,56 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực tăng 14,78%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,09%; thực phẩm tăng 3,23%.
Nhóm giao thông tăng 3,03%, tác động làm CPI chung tăng 0,29 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giao thông công cộng tăng 49,14%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,46% và xăng dầu tăng 2,13%.
Bên cạnh đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,63%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,35%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,97%.