Nghệ nhân Phùng Văn Tình (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dành tinh hoa cả đời, tâm huyết tạo tác bộ ba cây cảnh có giá trị nghệ thuật, văn hóa và tâm linh sâu sắc, được đánh giá độc đáo nhất trong làng chơi cây đất Bắc, trong đó, có cây lộc vừng 200 tuổi làm “vedettet - vị trí sáng giá”, từng được ngã giá triệu USD.
 |
Nghệ nhân Phùng Văn Tình dành tinh hoa cả đời tạo tác một cây lộc vừng có giá trị nghệ thuật, tâm linh và văn hóa sâu sắc! |
“Cửu đồng đại địa” - Chín rồng chầu địa linh
Nằm ẩn mình ở chân cầu Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm), lâu nay khu vườn trưng bày các tác phẩm cây nghệ thuật của nghệ nhân Phùng Văn Tình vẫn nổi danh bởi có bộ ba cây độc nhất vô nhị, hiếm có trong thế giới sinh vật cảnh.
Trong đó, danh giá nhất trong bộ ba cây của ông Tình là cây lộc vừng ước chừng 200 tuổi, cao sừng sững ở giữa khu trưng bày, tần đoạn thân, gốc sù sì, toát lên dáng vẻ thâm nghiêm đại đạo.
 |
"Chín con rồng chầu về một vùng đất an lành" |
Cây lộc vừng này đã được ông Tình dành tất cả tâm trí, tinh hoa cả cuộc đời chiêm nghiệm, sáng tạo thành một tác phẩm nghệ thuật đặt tên là “Cửu đồng đại địa”. Ý nghĩa là cây lộc vừng có 9 nhánh, đại diện cho hình ảnh 9 con rồng cùng chầu về 1 gốc, tọa trên một vùng đất an lành. Cây được trồng theo phương pháp khoanh bầu thả nước, tạo ra thế nghênh phong chiếu thuỷ, hình thái tổng thể như một kỳ quan thiên nhiên hiếm thấy.
 |
Cây lộc vừng "Cửu đồng đại địa" 200 tuổi sừng sững uy thâm! |
Về mặt văn hóa, tâm linh, 9 nhánh cây tuôn lên từ 1 gốc, lại có ý nghĩa tượng trưng cho “cửu đại đồng đường”, biểu tượng đó là sự kế thừa phát triển của một đại gia đình, một dòng họ, mãi mãi trường tồn, là truyền thống uống nước nhớ nguồn cội, đạo hiếu, kính trên nhường dưới của con, cháu các đời.
Chầu bên cây lộc vừng ở chính giữa là hai độc thạch, ngự trên là 2 cây si trăm tuổi bám rễ, thân uốn lượn thả dáng huyền, được ông Tình đặt tên là “Thiên song phụng hỉ”. Hình ảnh mô tả hai con phượng đậu trên hòn đá trời sinh, trang nghiêm đón khách.
 |
“Thiên ý song sơn tọa, phụng nhi môn hỉ khách” - Bộ ba cây toàn vẹn và sâu sắc về giá trị về nghệ thuật |
Ý nghĩa của bộ ba này là vùng đất an lành, địa linh nhân kiệt, nơi chín con rồng chầu về một hướng tụ khí phát đạt, được “thiên ý song sơn tọa, phụng nhi môn hỉ khách” - là hai cánh cửa, có núi tượng trưng cho sự uy nghiêm trường tồn, trên đó là hai con phượng cung kính lễ nghi đón khách, chúc phúc, dưỡng hợp khí tăng thêm sự trường tồn, uy thâm.
Tinh hoa nghệ thuật tạo tác
Đánh giá về bộ ba này, ông Thiệp - một chuyên gia chơi cây cảnh cho biết, ở khắp Việt Nam, có nhiều bộ ba cây đẹp nhưng phần lớn là sự lắp ghép cơ học, cho đủ bộ, nhưng không có ý nghĩa trọn vẹn, sâu sắc. Trái lại, ở bộ ba này của ông Tình đã chọn lọc được toàn bộ tinh hoa, có thể nói là đạt được đến độ “nhập đạo”, đẹp trọn vẹn, từ tên gọi, sắc - hình dáng cây, tâm - hồn cốt, mà còn có giá trị nhân văn, thấm nhuần, toát lên văn hóa sâu sắc của người Á Đông. Do vậy, bộ ba tác phẩm này, có thể ví như mảnh ghép mà đặt ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ rất đẹp và uy trấn, đặc biệt, trong các công trình tôn giáo, từ đường, dòng họ, gia tộc thì càng tô đậm được ngụ ý.
 |
Cây lộc vừng nổi danh gắn với nghệ nhân Phùng Văn Tình! |
 |
Gốc cây đế tọa rộng, liền mạch, không có sẹo mọc lên chín thân tự nhiên là sự hiếm gặp! |
Do đó, có thể khẳng định cây lộc vừng “Cửu đồng đại địa” này là linh hồn trong tác phẩm bộ ba, nó là độc bản, có một không hai, mọi thủ pháp tạo tác từ điêu khắc, thư pháp, thi ca... đều được chắt lọc để tạo nên một tác phẩm cây sinh vật cảnh có giá trị đặc biệt về nghệ thuật, tâm linh và văn hóa. Do đó, rất nhiều những nghệ nhân chơi cây không tiếc những mỹ từ để thể hiện sự ngưỡng mộ khi được ngắm nghía, chiêm nghiệm giá trị, ý nghĩa bộ ba cây cảnh này, đặc biệt cụ lộc vừng “Cửu đồng đại địa” của ông Tình.
Ông Tình cho biết “ngọc còn có vết” nên tác phẩm bộ ba cây của ông chưa phải toàn vẹn nhất, nhưng với kinh nghiệm cả đời dành sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật cây sinh vật cảnh, cùng quãng đường bôn ba thăm thú hàng trăm vườn cây khắp cả nước thì ông khẳng định nó là độc bản, không thể bắt chước, trong đó, cây lộc vừng “Cửu đồng đại địa” của ông là độc đáo nhất, cực hiếm người nghệ nhân có cơ duyên sở hữu.
 |
Nghệ nhân Phùng Văn Tình chăm chút từng ngọn cây, chiếc lá của cây lộc vừng quý |
Từ cơ duyên thành tâm duyên
Theo ông Tình, trong một chuyến đi “săn cây” ở Hòa Bình, ông có cơ duyên tìm được cây lộc vừng này. Khi đó, vô tình đi qua một mảnh vườn, thoạt nhìn thấy cây lộc vừng này rất có hồn cốt, đế tọa thấp, rộng, không có sẹo, chứng tỏ có tuổi đời cao nhưng tuyệt nhiên không phải cây cổ thụ cố tình cắt đi để tạo dáng. Chủ nhân của cây lộc vừng không có “nghề” nên chỉ trồng và bỏ hoang ở một góc vườn, nhưng bằng con mắt của một nghệ nhân lâu năm, ông Tình nhận thấy đây là một gốc cây hiếm gặp, tương lai nếu tạo tác sẽ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo nên đã ngỏ lời xin mua.
 |
Ông Tình trăn trở tìm một người đủ nhân, tâm để sở hữu bộ ba cây tác phẩm nghệ thuật! |
Từ nhiều năm sau đó, ông Tình dành hết cả tâm tư, tinh hoa của cả cuộc đời để thổi hồn cho cây lộc vừng này, đến nay, tạo hóa thành một tác phẩm nghệ thuật độc, dị, có nhiều giá trị.
Trước kia đời sống dù có khó khăn, ông Tình cũng không bao giờ ngỏ ý sang nhượng dù rất nhiều “tay chơi” tới hỏi thăm mua lại, thậm chí, có người ăn chực nằm chờ mong cái gật đầu của ông. Tuy nhiên, đến nay, ở độ tuổi cổ lai hi, sức khỏe có hạn, ông Tình lại có tâm nguyện, muốn tìm được một truyền nhân, đủ nhân tâm sở hữu bộ ba cây của ông, để tiếp tục giữ gìn và đưa tác phẩm này hoàn thiện hơn nữa./.