Trong những năm gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đang có xu hướng gia tăng, với hình thức ngày càng tinh vi và độ tuổi nạn nhân ngày càng trẻ hóa. Một vụ án xảy ra tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) là bài học cảnh tỉnh về sự thiếu hiểu biết pháp luật trong quan hệ tình cảm ở lứa tuổi chưa thành niên.
 |
Trợ giúp viên pháp lý tham gia lấy lời khai bị can xâm hại tình dục trẻ em tại CQĐT Kiên Giang |
Chuỗi hành vi sai trái của bị cáo
Bị cáo Nguyễn Thành Đ, sinh 2005, có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh, nhưng cư trú tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Vào khoảng tháng 3 năm 2023, Nguyễn Thành Đ quen biết em N.T.T (sinh 2009) qua mạng xã hội Facebook. Cả hai thường xuyên nhắn tin, trò chuyện, rồi phát sinh tình cảm yêu đương.
Ngày 26/4/2024, Đ từ TP Hồ Chí Minh trở về huyện Tân Hiệp và thuê phòng tại một nhà nghỉ. Tối cùng ngày, Đ rủ T đến gặp, chở đi ăn uống rồi quay về nhà nghỉ. Tại đây, Đ đã chủ động nhiều lần thực hiện hành vi quan hệ với T, có sử dụng biện pháp tránh thai được chuẩn bị từ trước.
Ngày hôm sau, Đ và T tiếp tục thuê một nhà nghỉ khác và quan hệ thêm một lần nữa, khi em T chỉ mới 14 tuổi, 9 tháng và 7 ngày tuổi.
Sự việc bị phát hiện vào ngày 28/4/2024 khi mẹ của T nhận thấy con gái có biểu hiện bất thường. Sau khi tìm hiểu, bà đã đưa con đến trình báo Công an thị trấn Tân Hiệp. Nguyễn Thành Đ bị bắt tạm giam.
Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Tân Hiệp xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thành Đ 3 năm tù về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” theo điểm a khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại số tiền tổn tất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 18 triệu đồng.
Trợ giúp pháp lý cho người bị hại là đối tượng trẻ em
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại - em N.T.T trong suốt quá trình giải quyết vụ án là trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang.
Trợ giúp viên pháp lý nêu rõ: Nguyễn Thành Đ là người đã đủ 18 tuổi, có nhận thức pháp luật, đã chuẩn bị biện pháp tránh thai từ trước để thực hiện hành vi giao cấu, thể hiện rõ ý thức chủ động phạm tội.
Trong khi đó, bị hại còn nhỏ tuổi, chưa đủ năng lực để nhận thức đầy đủ về hậu quả của hành vi quan hệ tình dục. Đồng thời đề nghị không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tự nguyện bồi thường thiệt hại” cho bị cáo vì thực tế bị cáo không tác động gia đình bồi thường, mà mẹ bị cáo tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả.
Quan điểm bảo vệ quyền lợi cho bị hại của trợ giúp viên pháp lý được Hội đồng xét xử ghi nhận. Đây là minh chứng cho hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhân văn của công tác trợ giúp pháp lý miễn phí đối với trẻ em bị xâm hại.
Bài học cảnh tỉnh từ vụ án
Vụ án trên không chỉ gây đau đớn cho gia đình bị hại, mà còn khiến xã hội giật mình nhìn lại thực trạng trẻ em bị xâm hại, trong bối cảnh nhiều em sử dụng mạng xã hội khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ.
Mối quan hệ “tình cảm” giữa người thành niên và trẻ vị thành niên dù có sự đồng thuận vẫn không loại trừ trách nhiệm hình sự, bởi pháp luật Việt Nam quy định người dưới 16 tuổi không thể đồng thuận quan hệ tình dục theo nghĩa pháp lý.
Về phía bị cáo, việc thiếu hiểu biết pháp luật, cộng với sự buông thả bản thân và nhu cầu tình dục không được kiểm soát đã đẩy chính mình vào con đường phạm tội. Về phía bị hại, tổn thương về thể chất và tinh thần là không thể đong đếm, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển nhân cách và tâm lý.
Trách nhiệm chung của toàn xã hội
Trẻ em là tương lai của đất nước, là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Bên cạnh các chế tài pháp luật nghiêm minh, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục giới tính, kỹ năng sống an toàn cho trẻ em từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng.
Sự vào cuộc tích cực của các tổ chức bảo vệ trẻ em, trong đó Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, là vô cùng cần thiết. Các trợ giúp viên pháp lý không chỉ là người bảo vệ quyền lợi trong các vụ án, mà còn là người nâng đỡ tâm lý, chắp nối lại niềm tin và khẳng định rằng trẻ em không cô đơn khi bị xâm hại.
Trẻ em cần được bảo vệ bằng cả pháp luật và tình thương. Đằng sau mỗi vụ xâm hại là những tổn thất không thể chữa lành nếu thiếu sự quan tâm, đồng hành và hành động kịp thời từ người lớn. Phòng ngừa hiệu quả chỉ có thể đạt được khi toàn xã hội cùng nâng cao nhận thức, chủ động giáo dục và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em - những mầm non của tương lai của đất nước.