Ảnh minh họa từ internet. |
Dễ đối mặt với mối nguy tiềm ẩn vì tò mò
Việt Nam có 427.446 tài khoản Facebook cá nhân bị lộ thông tin, đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng top 10 quốc gia lộ thông tin nhiều nhất từ Facebook. Đó là con số được công bố từ chính người đại diện của mạng xã hội hàng đầu thế giới mới đây. Tại Việt Nam, Facebook là mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất.
Vài năm trở lại đây, Facebook không chỉ là một ứng dụng nhật kí cá nhân và tương tác xã hội, đó còn là nơi để quảng bá hình ảnh, thương hiệu, buôn bán trao đổi, tìm kiếm và tổng hợp thông tin... Để tham gia mạng xã hội này, hiện nay người dùng không được sử dụng nick name mà phải “khai báo” tên thật của mình và một số thông tin khác như ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, số điện thoại hoặc email... Đó chính là nguồn dữ liệu khổng lồ mà rất nhiều người thèm muốn. Chính vì thế, lượng hacker tấn công vào các lỗ hổng nhằm lấy cắp nguồn dữ liệu này một nhiều.
Không chỉ có thể bị đánh cắp các thông tin cơ bản từ trang Facebook, người dùng còn rất dễ dàng “dính bẫy” từ các ứng dụng trò chơi liên tiếp được lan truyền trên mạng xã hội này. Mỗi ngày, có vài đến vài chục ứng dụng vui được người dùng chia sẻ, truyền nhau với tốc độ chóng mặt. Người dùng Facebook rất hăng hái tham gia vào các ứng dụng như: “Bạn trông như thế nào lúc già”, “Kiếp trước bạn là ai”, “Hình ảnh 50 năm sau của bạn”... mà không biết rằng, chính việc đăng kí, điền thông tin vào các trang trò chơi này chính là một bước “mở cửa” rước kẻ trộm vào nhà, đánh cắp các thông tin chi tiết của mình.
Bên cạnh mạng xã hội và các ứng dụng trò chơi mang tính giải trí, việc người dùng đặt hàng qua các ứng dụng mua bán, đặt khách sạn, giao dịch cũng chứa đựng nhiều nguy cơ rò rỉ thông tin. Hầu hết các trang này sử dụng hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế, người dùng phải cung cấp thông tin thẻ tín dụng của mình để hoàn tất giao dịch. Từ hành động này, nhiều người đã bị “trộm” thông tin thẻ, thậm chí mất tiền trong tài khoản, phải làm thẻ mới...
Nguy cơ mất thông tin cá nhân có ở khắp mọi nơi, không chỉ từ internet và các ứng dụng, mà còn bất cứ hoạt động nào người dân tham gia: từ các hãng hàng không, từ ngân hàng và các mạng điện thoại... Nhiều người dân đã bức xúc sau khi đặt vé máy bay đi du lịch đã liên tục bị làm phiền bởi các cuộc gọi tiếp thị từ các hãng du lịch, vận tải địa phương...
Từ làm phiền đến lừa đảo
Nhiều năm nay, việc bị lấy cắp thông tin cá nhân dẫn đến bị quấy nhiễu đã trở thành một mối phiền toái thường xuyên của người dân. Anh Vũ Anh Tuấn - Phó Giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị điện tử tại TP.HCM chia sẻ, mỗi một tuần không biết anh nhận bao nhiêu cú điện thoại đến từ các công ty bất động sản, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm, du lịch... Sự phiền toái đến từ việc những cú điện thoại này bất chấp giờ giấc, liên tục và nhiều lúc khiến anh bị gián đoạn công việc. Nhiều bạn bè của anh cũng cùng chung tình trạng này. Và vì không tham gia facebook lẫn các ứng dụng trên internet, nên anh Tuấn cho rằng, chỉ có vài nguồn có thể bán thông tin cá nhân của anh là ngân hàng, mạng di động và hàng không.
Tuy nhiên, những phiền toái sẽ không là gì so với nguy cơ bị lừa đảo thông qua việc “hack” thông tin hay tài khoản. Mới đây, chị Ng. K. N. ở TP.HCM đã dính phải quả lừa khi có một người gọi đến số điện thoại của chị, nói rõ tên họ chị và năm sinh, nghề nghiệp và cho biết chị đã trúng thưởng trong chương trình bốc thăm quay số của siêu thị, giải thưởng là một chiếc Honda SH, và yêu cầu chị chuyển khoản để đóng phí thuế trước bạ xe cùng một số phí lặt vặt khác và tiền thế chân với tổng chi phí là 10 triệu đồng. Một chiêu lừa không mới, thế nhưng do thông tin về chị N. được đối phương biết quá rõ khiến chị N. tin răm rắp và chuyển khoản ngay theo yêu cầu. Đến nay, chị N. vẫn không biết mình bị lộ thông tin từ phía nào.
Các cuộc gọi nặc danh, các thư điện tử, tin nhắn... lừa đảo từ công an làm việc cho đến nhận hàng nước ngoài, rồi trúng thưởng hoặc cả “tiết lộ kết quả xổ số” được những kẻ lừa đảo sử dụng, và chỉ với căn cứ duy nhất là thông tin cụ thể của người nhận được thoại, nhận mail nhưng đã lừa đảo, chiếm đoạt được tài sản của không biết bao nhiêu người.
Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Luật cũng quy định người tiêu dùng được yêu cầu tòa án buộc bên xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại và các yêu cầu khác.
Mức phạt cho hành vi vi phạm là từ 10 – 20 triệu đồng, hoặc thậm chí xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu hết người dân chưa sử dụng đến quyền này của mình, mặc dù không ít trường hợp đã có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Chính vì thế, các mạng xã hội lớn vẫn hoạt động mạnh mẽ bất chấp lỗ hổng bảo mật gây hại cho người dùng, các công ty vẫn tiếp tục nghĩ ra các ứng dụng giải trí câu khách để lấy cắp thông tin. Và doanh nghiệp vẫn ung dung “tận dụng triệt để” khách hàng của mình, bằng việc thu tiền sử dụng dịch vụ lẫn bán thông tin khách hàng cho bên thứ 3 để trục lợi.