Thi hành án là một trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó thi hành án dân sự là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, cũng dễ phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường.
Qua gần 04 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự (TTLT số 24), bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã bộc lộ những hạn chế.
|
Làm thủ tục thi hành án. (Ảnh minh họa). |
Ngày 07/12/2015, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP (TTLT số 17) thay thế TTLT số 24 quy định một số điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, đồng thời cũng tạo điều kiện cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự.
Thứ nhất, quy định thời điểm xác định quyền yêu cầu bồi thường, theo đó tại Điều 1 của TTLT số 17 đã quy định thời điểm xác định quyền yêu cầu bồi thường, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
Quy định trên căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thể hiện quyền của người bị thiệt hại trong việc xác định mốc thời gian, ngày mà người bị thiệt hại có quyền yêu cầu giải quyết bồi thường của mình.
Thứ hai, quy định rõ khoảng thời gian không tính vào thời hiệu. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị thiệt hại. Sở dĩ có quy định này vì pháp luật về bồi thường chưa có hướng dẫn cụ thể về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường, dù quan hệ về bồi thường là quan hệ pháp luật dân sự và Bộ luật Dân sự đã có quy định.
TTLT số 17 quy định cụ thể những khoảng thời gian không tính vào thời hiệu: sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc đã có người đại diện nhưng người đại diện đã chết hoặc theo quy định của pháp luật họ không thể tiếp tục là người đại diện cho người bị thiệt hại.
Thứ ba, về văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Liên quan đến nội dung này, để người bị thiệt hại có cơ sở yêu cầu bồi thường, TTLT số 17 đã bổ sung thêm một số văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ: Quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy các quyết định trái pháp luật về thi hành án dân sự; kết luận thanh tra giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thanh tra; văn bản của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền đã ra kháng nghị theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Thứ tư, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. TTLT số 17 đã bổ sung thêm nội dung cách thức xác định lỗi trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi, theo đó, nếu người bị thiệt hại cũng có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại gây ra và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quy định trên nhằm tạo hành lang pháp lý để thực hiện trong trường hợp có phát sinh.
Thứ năm, về xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, TTLT 17 thay thế TTLT số 24 đã bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên. Việc quy định rõ về trách nhiệm thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên để việc áp dụng pháp luật được dễ dàng, thuận lợi. Bên cạnh việc xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường, TTLT thay thế TTLT số 24 đã bổ sung các trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường.
Thứ sáu, về cơ quan có trách nhiệm bồi thường. So với quy định của TTLT số 24 thì TTLT số 17 có sự phân định, tách bạch về trách nhiệm bồi thường giữa tổ chức bán đấu giá và cơ quan thi hành án dân sự, bằng việc chia ra các trường hợp: trách nhiệm bồi thường hoàn toàn thuộc về cơ quan thi hành án dân sự, trách nhiệm bồi thường hoàn toàn thuộc về tổ chức bán đấu giá, trường hợp cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức bán đấu giá tài sản cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
Cụ thể, nếu trường hợp cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức bán đấu giá cùng gây ra thiệt hại cho người bị thiệt hại trong quá trình bán đấu giá tài sản kê biên thì phải liên đới bồi thường. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra, sau đó yêu cầu tổ chức bán đấu giá phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới đối với mình theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Qua đó nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ trách nhiệm, nghĩa vụ liên đới bồi thường của tổ chức bán đấu giá. Trường hợp thiệt hại xảy ra do cơ quan thi hành án dân sự có hành vi trái pháp luật trong việc ký hợp đồng thuê thẩm định giá tài sản; bán đấu giá tài sản; ủy quyền bán đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
(Còn tiếp)