Giấy khám sức khỏe mà phóng viên mua từ “cò” giống giấy khám sức khỏe “thật” ở bệnh viện Giao thông vận tải đến 100%. Tại sao lại giống nhau đến vậy?
Video: Cuộc giao dịch giữa cò N. và phóng viên
Không cần xét nghiệm vẫn có kết quả
Cầm trên tay tờ giấy khám sức khỏe mà chúng tôi mua từ người đàn ông tên N. mà không cần làm bất cứ xét nghiệm nào vào ngày 27/11.
Sau khi ngồi uống nước ở quán trà đá 45 phút ở cổng bệnh viện Giao thông vận tải, và 350.000 đồng N. đã mang ra tờ giấy khám sức khỏe với đầy đủ kết luận, chữ ký của bác sĩ.
Để tiện cho việc làm giấy khám sức khỏe mà không cần khám, người đàn ông tên N. đã yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin cá nhân, số cân nặng và chiều cao. Vậy là chỉ cần vài tin nhắn điện thoại, chúng tôi đã hoàn thành quy trình khám thể lực rất nhanh chóng.
Mục khám lâm sàng cũng được kết luận rất nhanh chóng với 3 chữ ký của 3 bác sĩ, cùng kết luận “bình thường”. Mục khám cận lâm sàng thì bất ngờ, chúng tôi có kết quả của mục xét nghiệm máu và nước tiểu cùng hình ảnh chụp tim, phổi hoàn toàn bình thường.
|
"Cò" tên N bán giấy khám sức khỏe tại cổng Bệnh viện Giao thông vận tải. |
Những kết quả đó từ đâu mà có? Liệu đã được “sao chép” hàng loạt như vậy thành rất nhiều bản?
Tờ giấy khám sức khỏe chúng tôi mua từ N., trên ảnh có con dấu đỏ, đóng giáp lai in hình con dấu của bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương. Ngạc nhiên hơn, cuối tờ giấy khám sức khỏe, có kết luận của Phó Giám đốc - Bác sĩ chuyên khoa II Lê Tuyên Hồng Dương.
PV Pháp Luật Plus vẫn miệt mài đi tìm hiểu thực hư sự thể. Và liệu đây có phải con dấu thật, và đây có phải thực sự là kết luận của bác sĩ tại bệnh viện?
Đi khám thật mất 2h đồng hồ
Nghi ngờ rằng, tờ giấy khám sức khỏe mà chúng tôi mua được từ “cò” là giấy giả. Đầu tháng 12/2015, phóng viên trở lại Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương để đăng ký khám sức khỏe theo đúng quy định xem đâu là dấu thật… dấu giả.
Có mặt tại bệnh viện Giao thông chúng tôi vào phòng khám sức khỏe trong nước của bệnh viện. Khi hỏi về việc làm giấy khám sức khỏe, chúng tôi được nhân viên y tế chỉ đọc tờ hướng dẫn được dán phía trên tường.
Theo nội dung hướng dẫn, thì khám sức khỏe đầy đủ để đi học và đi làm là 240.000 đồng/tờ đầu, tờ sau là 10.000 đồng/tờ. Bắt buộc xét nghiệm máu, nước tiểu, heroin, chụp X-Q.
Sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân và dán ảnh, và thanh toán tiền, lấy biên lai chúng tôi được khám thể lực ngay tại phòng đăng ký làm giấy khám sức khỏe.
|
Khi đi khám tại Bệnh viện Giao thông vận tải phóng viên mất hơn 2h để hoàn thiện các thủ tục. Trong khi đó, chỉ cần ngồi quán trà đá 45p là "cò" sẽ mang tận tay người mua mà không cần phải khám. |
Sau đó phóng viên tới các phòng, khoa để lấy mẫu xét nghiệm từ máu, nước tiểu, XQ…
Khi đã có được kết quả khám tại các phòng khám trên, chúng tôi đến phòng khám khoa ngoại để được bác sĩ khám và kết luận.
Sau 2h đồng hồ, chúng tôi hoàn thành quy trình khám bệnh tại bệnh viện để có trong tay tờ giấy khám sức khỏe. Vậy là so với tờ giấy khám sức khỏe chúng tôi mua từ N, thời gian khám sức khỏe tại bệnh viện gần gấp 3 lần thời gian chờ mua giấy khám sức khỏe từ N.
Có một điều khác biệt, số lượng chữ ký trong tờ giấy khám sức khỏe mà phóng viên mua từ “cò” có ít hơn so với tờ giấy mà phóng viên trực tiếp đi khám.
Tổng thể tờ giấy khám sức khỏe được mua từ N., chỉ có 4 chữ ký của 4 vị bác sĩ, khác với tờ giấy khám sức khỏe được chúng tôi đến khám tại viện, với 6 chữ ký của 6 vị bác sĩ. Giấy khám sức khỏe thật có đầy đủ kết luận và chữ ký của bác sĩ bên cạnh, khác hoàn toàn với giấy khám sức khỏe được mua từ N.
Con dấu “giống nhau” đến khó tin!
Khó hiểu hơn, khi chúng tôi so sánh con dấu trong 2 tờ giấy khám sức khỏe, phóng viên nhận thấy có điểm tương đồng. Đều có hình tròn, dòng chữ Bộ Giao thông vận tải, Cục Y tế giao thông đều rõ nét, không bị nhòe.
Vậy, cò bán giấy khám sức khỏe tên N. đã lấy giấy khám sức khỏe này ở đâu để bán cho phóng viên, con dấu kia ở đâu ra. Các chữ ký có tên Bác sĩ Lê Tuyết Hạnh; Bác sĩ Trần Ngọc Ma; Bác sĩ Nguyễn Chiến Thắng; Phó giám đốc Lê Tuyên Hồng Dương kia ở đâu ra.
Vậy thì nhân vật cò tên N. đã làm cách nào mà có được những con dấu này?.
Không những vậy, số tiền mua giấy khám sức khỏe từ N. là 350.000 đồng/tờ, nhưng khi đi khám thật tại bệnh viện là 240.000 đồng/tờ. Vậy số tiền chênh lệch đó đã đi đâu? Và N. đã lấy kết quả khám từ đâu để có được tờ giấy khám sức khỏe bán ra bên ngoài?
Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.