Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, mọi thông tin được phát tán rất nhanh chóng và dễ dàng trên mạng xã hội với nhiều luồng đa chiều, khó phân định được tốt, xấu, đúng, sai.
Chưa kể, không ít những nội dung mang dụng ý xấu được vô tình hay cố ý lan truyền bằng nhiều cách thức, có thể tác động đến nhận thức, tình cảm của một phận người dân.
Do đó báo chí tiếp tục cần bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, phân tích trúng vấn đề trọng điểm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận rõ ràng, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt “quyền lực thứ 4”, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt.
Bên cạnh những thành công, hiệu quả, tiếng vang của báo chí mang lại thì cũng còn những tồn tại hạn chế. Có lúc có nơi, khả năng định hướng, dẫn dắt dư luận, công chúng của báo chí vẫn còn mờ nhạt. Một số tờ báo, phóng viên viết phóng sự điều tra có hiểu biết kiến thức pháp luật chưa sâu, chưa phản ánh đúng, trúng, kịp thời trước các vấn đề của đời sống xã hội đặt biệt vấn đề liên quan tới tội phạm an ninh mạng.
Do đó chưa đóng góp hiệu quả, tích cực vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích của các tổ chức một cách tích cực, hiệu quả. Nội dung bài viết sau đây sẽ góp phần nhận diện thực trạng và đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động tác nghiệp của nhà báo điều tra về tội phạm an ninh mạng tại toà soạn báo pháp luật Việt Nam.
Thực trạng quản lý hoạt động tác nghiệp của nhà báo điều tra về tội phạm an ninh mạng
Ngày nay, sự phát triển như vũ bão của internet đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội,... ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, hoạt động của không ít người khi sử dụng internet lại đẩy tới nguy cơ, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, trật tự và an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Hiện tượng này xuất hiện vì sự phát triển internet đã tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho loại tội phạm mới hoạt động trên môi trường mạng, sử dụng mạng xã hội làm phương tiện và công cụ để thực hiện các mưu đồ cá nhân đen tối hoặc hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nặng nề tới nhiều mặt của đời sống.
Nhất là, các cuộc tiến công trên mạng nhắm vào lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa tại nhiều quốc gia đang có chiều hướng gia tăng. Trước thực tế đó, vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích của mọi người trên không gian mạng đã được nhiều quốc gia quan tâm, chú trọng, và đã trở thành một vấn đề có tính toàn cầu.
Theo lãnh đạo một số cơ quan báo chí, phải tăng cường quản lý hoạt động tác nghiệp của nhà báo điều tra bởi các phóng viên điều tra rất dễ nảy sinh tâm lý kiêu binh sau vầng hào quang mà các bài điều tra mang lại. Họ dễ cho rằng mình là người hùng, có quyền lực.
Tâm lý như thế sẽ dẫn đến chủ quan trong đánh giá và nhận định, triệt tiêu yếu tố tự phản biện, đánh giá sai mức độ nguy hiểm và các phản ứng của đối tượng bị điều tra. Họ có thể tự ý tiến hành những bước tác nghiệp mạo hiểm mà không bàn bạc hoặc xin ý kiến tòa soạn
Đối tượng bị điều tra luôn thường trực phản ứng phản kháng, chống đối, cảnh giác trước mọi con mắt điều tra, dù là điều tra báo ch hay điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Có thể sự phản kháng chỉ đơn thuần mang tính cá nhân, cục bộ nhưng cũng có thể có sự liên kết, sự tác động do yếu tố quen biết thông thường, nhưng thậm chí, có thể có sự tiếp tay của những người sa ngã, biến chất trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Vì thế, nhà báo phải đối mặt với những rắc rối từ phía cá nhân đối tượng bị điều tra; sức ép từ những người có địa vị, chức vụ cao; khiếu nại hành chính; hay những vấn đề liên quan kiện tụng... Thậm chí, trong một số trường hợp, nhà báo chịu sức ép ngược từ chính tòa soạn.
Tại một số báo điện tử, trưởng ban trực tiếp chỉ đạo các phóng viên thực hiện các nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, tổ chức điều tra về tội phạm an ninh mạng.
Trong đó, phóng viên phải tuân thủ nghiêm túc theo sự chỉ đạo, định hướng của Ban biên tập trong việc thực hiện đề tài đã được phê duyệt; Cập nhật thông tin diễn ra hàng ngày, báo cáo Trưởng ban để được phê duyệt và định hướng thực hiện; Báo cáo tiến độ thực hiện đề tài trong ngày cho Trưởng ban khi được giao phân công công việc Thực hiện đúng quy định chung của toà soạn về giờ giấc và định mức tin bài trong tuần, trong tháng; Sẽ chịu mọi sự kỷ luật khi PV vi phạm về quy chế chung của Toà soạn, và vi phạm pháp luật; Được toà soạn đồng ý cho làm thẻ nhà báo, thẻ Hội viên Hội nhà báo khi đã đáp ứng đủ các quy định chung của Toà soạn và cơ quan quản lý Nhà nước.
Báo chí điều tra là thể loại không cho phép có sự tư lợi cá nhân hay những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, do vậy khảo sát cho thấy các chủ thể quản lý tại truyền hình Pháp luật đều yêu cầu phóng viên của mình thực hiện tốt các nguyên tắc trong toàn bộ quá trình tác nghiệp như:
(1) Tôn trọng sự thật, bảo đảm tính chính xác, trung thực. (2) Bảo đảm tính công bằng, khách quan. (3) "Nói không với tiêu cực". (4) Bảo vệ nguồn tin và bí mật nghề nghiệp. Nhà báo có quyền và nghĩa vụ giữ bí mật nghề nghiệp và bảo vệ nguồn tin. Điều 6 trong Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam xác định nghĩa vụ của nhà báo là phải bảo vệ "nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin". (5) Tôn trọng sự riêng tư và phẩm giá con người. Nhà báo có nghĩa vụ tôn trọng quyền con người và bảo đảm sự riêng tư của mỗi cá nhân. (6) Tôn trọng nhân vật được điều tra, bảo vệ quyền của trẻ em/ vị thành niên và những người bị tổn thương.
Để quản lý hoạt đông tác nghiệp của phóng viên điều tra về tội phạm an ninh mạng, truyền hình Pháp luật thực hiện theo quy trình xét, duyệt nhiều cấp từ lãnh đạo phòng, ban tới lãnh đạo trong ban biên tập.
Khảo sát cho thấy, năm 2021, báo Pháp luật đã ban hành quy định chung nhằm tạo cơ sở cho việc quản lý hoạt động tác nghiệp của phóng viên điều tra.
Theo quy định thì Trưởng ban có vai trò rất quan trọng. Trưởng ban giữ vai trò điều hành chung của các Ban, cụ thể trong tác nghiệp điều tra là ban chuyên đề. Phê duyệt, định hướng triển khai đề tài của PV và thực hiện thẩm định tin, bài của PV trước khi xuất bản; Được phép xuất bản các bài cho mục điều tra theo quy chế; Trưởng ban còn là phát hiện các đề tài, hoạch định cho PV triển khai các loạt bài đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo, đúng định hướng của BBT; Trình BBT các phương án về nội dung, nhân sự cho phù hợp với từng thời điểm phát triển của báo; Đẩy mạnh để phát triển nội dung, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế của báo và các sự kiện sau báo; Làm báo cáo công việc tuần gửi BBT để nắm được hoạt động của Ban
Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ những nguyên tắc hoạt động của Ban chuyên đề như: Tất cả các bài viết trước khi xuất bản đều phải được thẩm định, phê duyệt đúng tôn chỉ mục đích, không vi phạm vào quy định chung của toà soạn; Tuyệt đối nghiêm cấm việc tự sản xuất bài viết và nhập bài lên CMS khi đề tài chưa được phê duyệt; Phóng viên tự ý hoạt động báo chí khi chưa được sự đồng ý của Trưởng ban thì phải chịu hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình và sẽ bị kỷ luật theo quy định; Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa báo chí đe doạ, sách nhiễu bạn đọc, các đơn vị doanh nghiệp trong quá trình tác nghiệp.
Mọi hành vi đe dạo, sách nhiễu bạn đọc đều bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là chấm dứt hợp đồng lao động; Khi PV đăng ký đề tài và được Trưởng ban duyệt đề tài khi đó mới được đến bộ phận hành chính lấy giấy giới thiệu đi tác nghiệp
Một số giải pháp tăng cường
Trong thời gian tới, để quản lý tốt hoạt động tác nghiệp của nhà báo điều tra về tội phạm an ninh mạng tại toà soạn báo cần giải quyết tốt các vấn đề sau đây:
- Thứ nhất, cần xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng nhằm điều chỉnh tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa ban lãnh đạo kênh và các phòng/ ban cũng như đội ngũ cộng tác viên.
- Thứ hai, cần xây dựng các quy định mới và cụ thể hơn để tổ chức lại đội ngũ trực tiếp sản xuất các báo chí điều tra cũng như để nâng cao vai trò phối hợp giữa các đội tham gia vào quy trình sản xuất nhất là Ban chuyên đề và văn hóa thể thao.
- Thứ ba, triển khai áp dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ quản lý hiện đại vào hệ thống quản lý nhân lực. Với một đội ngũ cán bộ, nhân viên thiếu, trình độ có hạn, đầu việc nhiều thì đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại vào hệ thống quản lý báo chí là việc làm cấp thiết. Điều đó vừa tinh giản được biên chế theo chủ trương chung của Chính phủ hiện nay, vừa quán xuyến công việc một cách có hiệu quả.
Thời gian tới, Ban lãnh đạo báo cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, và nguồn nhân lực này phải được quản lý và phát triển theo định hướng từng bước phù hợp với các nguyên tắc và quy luật của thị trường lao động, đồng thời cũng cần chú trọng đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ nhân viên. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần thực hiện một số vấn đề như sau:
- Một là, đội ngũ quản lý phải thực sự có tài, có năng lực, được đánh giá mức độ tiến bộ theo từng năm. Điểm hạn chế chung của đội ngũ lãnh đạo tại một số cơ quan báo chí là kinh nghiệm quản lý các nghiệp vụ hiện đại cũng như kinh nghiệm sử dụng các công cụ hiện đại. Vì vậy để khắc phục nhược điểm này có thể tổ chức những khóa đào tạo riêng biệt cho các cán bộ quản lý và hợp tác với các đối tác nước ngoài để tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý.
- Hai là, cần xây đựng đội ngũ biên tập có trình độ, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ báo chí và có kỹ năng nghề nghiệp.
- Ba là, bên cạnh việc chú ý đến nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, cần có sự thay đổi trong cơ chế lương đối với cán bộ nhân viên đặc biệt là phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên. Theo đó mức lương phải cao hơn và hấp dẫn hơn mức hiện tại. Bên cạnh đó phải tạo được sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan.
Lãnh đạo báo cần tổ chức thêm nhiều hoạt động tập thể như: thể thao, tổ chức vui chơi, thư giãn cho cán bộ nhân viên. Qua đó, nâng cao lòng tự hào và sự yêu quý, gắn bó của các nhân viên đối với cơ quan.
Kết luận: Để báo chí điều tra hoạt động hiệu quả hơn nữa, cần tạo cơ chế phù hợp cho sự cộng tác, phối hợp hài hòa giữa các chủ thể: người cung cấp thông tin (cơ quan Nhà nước…), người được cung cấp thông tin (báo chí, nhà báo) và người được thông tin (quần chúng nhân dân).
Cần phải xây dựng cơ chế phối hợp, liên thông hợp lý, hiệu quả giữa các cơ quan báo chí trước những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm của đời sống. Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, là diễn đàn của quần chúng nhân dân.
Bởi vậy, nếu thiếu sự phối hợp, thống nhất, chia sẻ quan điểm vì lợi ích chung sẽ dẫn đến hỗn loạn, mất định hướng, công chúng hoang mang vì "không biết tin ai". Bên cạnh đó, để thu hút tập hợp được những ý kiến phản biện có chất lượng thì cũng cần có cơ chế động viên, khuyến khích trí thức tham gia hoạt động tư vấn phản biện xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần.